Những Trận Chiến Trên Vàm-Cỏ-Đông
Vào hạ tuần tháng 2 năm 1975, trong trận phục kích vào khoảng sông giữa Gò-Dầu-Hạ và Tây-Ninh, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận tịch thu được tài liệu quan trọng sau khi bắn chết hai sĩ quan cao cấp Việt-Cộng từ cục R đi ghe ra. Tiểu-Khu Tây-Ninh muốn giữ tài liệu này; nhưng Quân-Đoàn III phái một Đại-Tá xuống lấy về. Theo tài liệu này, Việt-Cộng sẽ mở mặt trận lớn tại Long-An và Hậu-Nghĩa.
Bên bờ Tây sông Vàm-Cỏ-Đông – đối diện với tỉnh Hậu-Nghĩa – trên kinh Thủ-Thừa khoảng hơn 20 cây số là đồn Trà-Cú, một miếng mồi khó nuốt cho tất cả Lực-Lượng Việt-Cộng lăm le muốn đánh Hậu-Nghĩa.
Lý do Việt-Cộng không thể xâm nhập mặt sông này hoặc tiến chiếm đồn Trà-Cú là vì hàng rào điện tử được gài dọc theo bờ sông. Những điện toán của hàng rào điện tử này ghi nhận chính xác tất cả hoạt động và mọi cuộc di chuyển của Việt-Cộng phía trục đó.
Khoảng tháng 3 năm 1975, đồn Trà-Cú là nơi đóng quân của Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, một Giang-Đoàn Ngăn-Chận và một Tiểu-Đội Pháo-Binh tăng phái cùng hai khẩu đại bác để yểm trợ Chi-Khu và đồn bót dọc sông Vàm-Cỏ-Đông. Nếu có những cuộc xâm nhập quy mô của Việt-Cộng, Tỉnh Trưởng Hậu-Nghĩa sẽ tăng phái vài đơn vị biệt lập như Địa-Phương-Quân.
Kể từ khi đơn vị trưởng tiền nhiệm đồn Trà-Cú dời dân từ vùng xôi đậu về lập một làng nho nhỏ chỗ khúc cua, cạnh đồn, Hải-Quân kiêm luôn trách nhiệm bảo vệ làng này và giúp dân làng phương tiện sang sông.
Giữa tháng 3, mặc dù Cao-Nguyên bỏ ngõ và miền Trung “co” lại, tình hình quân sự vùng Hậu-Nghĩa, Trà-Cú vẫn tương đối bình yên; ngoại trừ vài vụ phá hoại không đáng kể của đặc công, nhưng bị phát giác kịp thời.
Hạ tuần tháng 3, những hoạt động của Việt-Cộng quanh vùng Gò-Dầu-Hạ, Hậu-Nghĩa, Trà-Cú, được ghi nhận gia tăng với mức độ đáng ngại. Bằng cớ là khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, được điều động từ Gò-Dầu-Hạ theo sông Vàm-Cỏ-Đông về Nhà-Bè để yểm trợ tàu đạn và tàu dầu ra sông Lòng Tào, đã bị Việt-Cộng tấn công tất cả bảy lần, gây thương tích cho vài nhân viên và làm tử thương Thiếu-Úy C.
Khi đến khúc cua ngặt, chỗ ngôi làng gần đồn Trà-Cú, giang đỉnh chở xác Thiếu-Úy C. lại bị mìn! Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, một giang đỉnh khác lại trúng mìn! Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông-Ngòi, ra lệnh Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận dừng lại để vớt xác và vớt tàu. Khi nhân viên đang thi hành công tác thì Việt-Cộng từ bờ bắn ra tới tấp, vớt không được. Đến mờ sáng, xác nhân viên Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận nổi lờ đờ dọc bờ sông!
Ngày 17 tháng 4, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận được lệnh trở lại sông Vàm-Cỏ-Đông, hiệp cùng Giang-Đoàn 57 Tuần-Thám, Giang-Đoàn 24 Xung-Phong, một giang đoàn Giang-Cảnh và một đơn vị thuộc Sư-Đoàn Nhảy-Dù để bảo vệ Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh, vừa rút về từ Qui-Nhơn và tạm trú tại Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức.
Đêm 18 tháng 4, Việt-Cộng bắn hỏa tiễn 130 ly vào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức. Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh rời Căn-Cứ Hải-Quân và phân tán mỏng ngay cho nên không bị thiệt hại; chỉ có kho dầu Bến-Lức bị trúng đạn pháo kích, cháy.
Sáng 19 tháng 4, Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, vị sĩ quan tốt nghiệp khóa II Brest, thị sát mặt trận dọc theo sông Vàm-Cỏ-Đông. Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, chỉ cho Đại-Tá Xuân biết chỗ Hải-Quân thường bị phục kích.
Tối 19 tháng 4, Đại-Tá Xuân tháp tùng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đi tuần tiễu. Ngay chỗ Thiếu-Tá Đề chỉ cho Đại-Tá Xuân lúc sáng, Việt-Cộng bắn thẳng vào Soái-Đỉnh. Đại-Tá Xuân ra lệnh rút về.
Trong thời gian này, hoạt động của các Giang-Đoàn bị giới hạn; vì chỉ rời điểm đóng quân khoảng 500 thước là chạm địch. Ngày nào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức cũng bị hỏa tiễn 130 ly. Phó-Đề-Đốc Nghiêm-Văn-Phú ra lệnh cho tất cả Giang-Đoàn rời Căn-Cứ, giàn dọc bờ sông để tránh pháo kích. Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh cũng ra đồng hoặc “nằm” dưới những gầm cầu. Đơn vị Dù của Thiếu-Tá Tâm quần thảo liên miên với các đơn vị của Công-Trường 9 Việt-Cộng.
Ngày 21 tháng 4, sáu PBR thuộc Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám biệt phái cho quận Hiếu-Thiện, phía Bắc đồn Trà-Cú, bị tấn công nặng nề. Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn, đem toàn lực lượng từ đồn Trà-Cú lên tiếp cứu, cố đưa sáu chiến đỉnh về, nhưng Việt-Cộng từ bờ bắn ra dữ dội. Trung-Úy trưởng toán PBR biệt phái báo cáo rằng Việt-Cộng đã giăng giây cáp, bên dưới có lưới sắt, từ bên này bờ sang bên kia bờ!
Được báo cáo, Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân hành quân Lưu-Động-Sông, Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng, ra lệnh Trung-Úy trưởng toán phải mở đường máu, đưa sáu PBR về! Đồng thời Phó-Đề-Đốc Hùng cũng chỉ thị Thiếu-Tá Đề đưa Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận từ Bến-Lức lên tiếp tay với Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, đem sáu PBR biệt phái về. Điểm “bắt tay” là khúc quanh, nơi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận thường bị phục kích.
Để hỗ trợ cho cuộc hành quân này, Tiểu-Khu Long-An tăng phái một tiểu đoàn Địa-Phương-Quân giữ an ninh bên bờ sông để đoàn chiến đỉnh xuống.
Khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đưa tiểu-đoàn Địa-Phương-Quân tăng phái và Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông Ngòi, đến gần điểm thường hay bị phục kích, tất cả đều vắng vẻ, không có gì khả nghi. Ngôi làng nhỏ cạnh đó cũng yên tĩnh và treo cờ Việt-Nam Cộng-Hòa.
Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận, Thiếu-Tá Đề, liên lạc với Thiếu-Tá Sơn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, cho biết hai Giang-Đoàn chỉ còn cách nhau khoảng hai cây số. Vừa lúc đó, đủ mọi loại súng từ bờ bắn xối xả vào Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Liên lạc truyền tin giữa hai Giang-Đoàn bị gián đoạn.
Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng lại ra lệnh: Bằng mọi giá, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận phải yểm trợ để đưa Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám về! Đại-Tá Huyến, Tỉnh Trưởng Long-An, yêu cầu Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận “thả” Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân xuống để bảo vệ an ninh trên bờ cho Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám xuống.
Mười chín giang đỉnh thuộc Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa ủi bãi, Địa-Phương-Quân đang đổ bộ thì từng loạt pháo kích của Việt-Cộng rơi ngay bãi! Từng lớp, từng lớp Địa-Phương-Quân gục ngã trên bãi lầy!
Trong tình cảnh như vậy, Thiếu-Tá Đề vẫn không nhận được lệnh từ ai cả; vì Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Vùng III Sông Ngòi và Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, Tư-Lệnh Vùng III Sông Ngòi, đang tranh cãi nhau trên máy truyền tin! Thiếu-Tá Đề tự động ra lệnh rút lui để bảo vệ đơn vị. Tiểu-Đoàn-Trưởng Địa-Phương-Quân không đồng ý, nói với Thiếu-Tá Đề: “Hải-Quân rút, tôi bắn!” Sau đó, Việt-Cộng pháo dồn dập, Thiếu-Tá Đề quyết định rút!
Trên đường trở về Bến-Lức, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận lại nghe tiếng kêu cứu của Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Thiếu-Tá Đề lại được lệnh đưa Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận trở lên tiếp cứu Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám.
Khi trở lên, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa đi ngang ngôi làng nhỏ treo cờ V.N.C.H. thì Việt-Cộng khai hỏa bằng đủ loại súng lớn. Xin pháo binh và phi cơ yểm trợ không được, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận vừa tiến vừa chống trả mãnh liệt.
Tối 22 tháng 4, khoảng 9 giờ 30, Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận “bắt tay” Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám. Sáu PBR biệt phái cho quận Hiếu-Thiện vẫn còn kẹt tại đó. Lời cuối cùng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám nhận được từ Trung-Úy trưởng toán PBR biệt phái là: “Kiến nhiều quá! Cắn đau lắm! Phải đổi màu, theo đàn bò”.
Khi Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám về gần tới kinh Thủ-Thừa thì thấy cờ trắng phất bên bờ sông. Vì trời tối và cũng vì bị tấn công nặng nề, nhân viên hai Giang-Đoàn hoảng hốt, bắn xối xả vào bờ! Tiểu-Khu Long-An liên lạc cấp kỳ với Hải-Quân và xác nhận đơn vị bên bờ sông là thành phần còn lại của Tiểu-Đoàn Địa-Phương-Quân mà Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận đã “thả” lúc đầu hôm!
Sáng 23 tháng 4, nhiều xác Địa-Phương-Quân nổi lềnh bềnh dọc sông Vàm-Cỏ-Đông!
Cùng ngày, tất cả đơn vị trưởng Hải-Quân về Bến-Lức họp. Cuộc họp gồm những sĩ quan sau đây:
- Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng, Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành Quân Lưu-Động-Sông.
- Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú, Tư-Lệnh Lực-Lượng Tuần-Thám.
- Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng, Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99.
- Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân, Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng III Sông-Ngòi.
- Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Hữu Xuân, Tư-Lệnh-Phó Hải-Quân Vùng III Sông-Ngòi.
- Chuẩn Tướng Phan Đình Niệm, Tư-Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Hải-Quân Thiếu-Tá Phạm Mạnh Đề, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 40 Ngăn-Chận.
- Hải-Quân Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn, Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám.
- Đại-Tá Luận, thuộc Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh.
Trong phiên họp, giới chức thẩm quyền gián tiếp chỉ thị các đơn vị trưởng phải lo cho anh em và gia đình binh sĩ; ưu tiên là gia đình Hải-Quân. Điểm hẹn là sông Soài Rạp.
Tối 23 tháng 4, Tướng Phan Đình Niệm rời Bến-Lức bằng trực thăng.
Ngày 24 tháng 4, Việt-Cộng tăng mức độ pháo vào những nơi đóng quân của V.N.C.H. Hoạt động của Hải-Quân trên Vàm-Cỏ-Đông giảm thiểu tối đa. Đồn Trà-Cú bị cô lập hoàn toàn.
Tối 29 tháng 4, tại đồn Trà-Cú, Thiếu-Tá Ngô Văn Sơn cho nhân viên đưa gia đình xuống các chiến đỉnh. Chỉ-Huy-Phó Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám đưa đoàn PBR ra sông lớn, chờ. Thiếu-Tá Sơn, những sĩ quan trong bộ chỉ huy và ít nhân viên liên hệ cùng một số chuyên viên ngòi nổ ở lại Trà-Cú để thiêu hủy tài liệu, đặt chất nổ phá hủy những nơi quan trọng trước khi rút lui.
Mối lo ngại lớn nhất của nhóm người ở lại là “pông-tông” dầu khá lớn, nằm ngay trước đồn Trà-Cú. Vào lúc nhóm người ở lại đang thực hiện kế hoạch phá hủy thì Việt-Cộng pháo kích ngay vào đồn Trà-Cú! Pháo liên tục! Pháo dày đặc! Pháo dai dẳng! Pháo rơi trúng hầm mà nhóm người ở lại đang trú ẩn khiến một sĩ quan tử thương!
Thiếu-Tá Sơn cho chặt giây “pông-tông” dầu. “Pông-tông” dầu trôi ra, Thiếu-Tá Sơn cho bắn theo, với mục đích gây hỏa hoạn, thiêu hủy số lượng dầu. Khi “pông-tông” phực cháy, gặp gió ngược, trôi lên hướng ngôi làng nhỏ, tức thì muôn họng súng trong làng đều nhả đạn vào khối lửa di động.
Lợi dụng thời cơ đó, nhóm người ở lại rút lên PBR cuối cùng, rồi nhấn ngòi nổ, sang bằng đồn Trà-Cú. Sau đó, PBR của nhóm người ở lại nhập với đoàn PBR chở binh sĩ và gia đình chờ ngoài sông lớn, xuôi về Bến-Lức.
Trên đường về Bến-Lức, khoảng cách chỉ hơn 50 cây số, đoàn PBR bị tấn công ba lần.
Lần thứ nhất, xe tăng Việt-Cộng từ bên bờ Hậu-Nghĩa bắn trực xạ ra đoàn PBR.
Lần thứ hai, khi vừa xả hết tốc lực chạy khỏi tầm đạn xe tăng, đoàn PBR lại bị Việt-Cộng từ hai bên bờ tấn công bằng bazooca 57 và 75 không giật.
Lần thứ ba, lúc gần sáng 30 tháng 4, đoàn PBR lại bị chận đánh một lần nữa khi về gần tới Bến-Lức. Sở dĩ Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám không phản công được là vì trên mỗi PBR đều đầy nghẹt binh sĩ và gia đình!
Sáng 30 tháng 4, tình hình Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức vô cùng bi đát. Hầu hết những đại đơn vị đều đã rút ra sông Soài-Rạp; chỉ còn lại sĩ quan cấp nhỏ và lính. Mọi người nhốn nháo tìm phương tiện về với gia đình; nhưng Quân-Cảnh gác cổng vẫn giữ đúng kỷ luật, không cho bất cứ ai xuất trại. Binh sĩ lấy vũ khí, tấn công Quân-Cảnh! Hai bên bắn nhau!
Mười giờ 30 cùng ngày, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, Việt-Cộng ùa vào Căn-Cứ Hải-Quân Bến-Lức. Việt-Cộng tin rằng V.N.C.H. đang chuẩn bị bàn giao Căn-Cứ này cho họ, vì vậy, họ vui đùa, săm soi, táy máy hết cái này đến cái kia. Phía quân nhân V.N.C.H. thì thấy Việt-Cộng đông quá, lại vừa nghe lệnh đầu hàng cho nên không ai dám làm gì cả. Cả hai bên đều giả lơ như là chẳng thấy nhau!

Thay Lời Tựa
Chương I
Sơ Lược Lịch Sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
Chương II
Các Vị Tư-Lệnh Hải-Quân
Chương III
Sự Tổ Chức Của Hải-Quân – Về Hành Quân
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang
Những Đại-Đơn-Vị Chiến-Đấu
Vùng Sông-Ngòi – Hành-Quân Lưu Động Sông
Vùng Duyên-Hải – Hành-Quân Lưu Động Biển
Chương IV
Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ
Chương V
Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân
Chương VI
Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi
Những Trận Chiến Trên Vàm-Cỏ-Tây
Những Trận Chiến Trên Vàm-Cỏ-Đông
Chương VII
Chương VIII
Hải-Vận-Hạm Lam-Giang, Một Huyền Thoại
Chương IX
Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi
Cuối Cùng Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Nguyên Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang
- Nguyên Đề-Đốc Trần Văn Chơn
- Nguyên Trung Tướng Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Vĩnh Lộc
- Nguyên Đại-Tá Lê Quang Mỹ
- Nguyên Phụ-Tá Tổng-Trưởng Quốc-Phòng Hoa-Kỳ
Richard Lee Armitage - Nguyên Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng
- Nguyên Trung Tướng Lâm Quang Thi
- Nguyên Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
Chương X
Những Vị Anh Hùng Hải-Quân V.N.C.H.
Cố Hải-Quân Thiếu-Tá Đặng Hữu Thân
Cố Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn
Chương XI
(Cựu Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh)
Những Năm Tại Trường Hải-Quân Pháp
(Cựu Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng)
U.S. Navy Officer Candidate School
(Cựu Hải-Quân Đại-Úy Hoàng Quốc Tuấn)
U.S. Naval Postgraduate School
(Cựu Hải-Quân Trung-Úy Trần Trúc Việt)
Kỷ Niệm Với Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505
Phụ Lục