Đêm ra mắt tác phẩm Bước Chân Non của Điệp-Mỹ-Linh
Tối tháng 8 năm 1987, tại khách sạn Hyatt Regency West Hotel, Houston, Điệp-Mỹ-Linh đã ra mắt tập truyện thứ hai của Bà xuất bản tại hải ngoại. ..
Nơi phòng khánh tiết sang trọng nhất của Hyatt Regency, trong khi luật sư Nguyễn-Ngọc-Hải dạo những nhạc khúc êm dịu thì quan khách vừa dùng tiệc trà vừa thân mật và vui vẻ chuyện trò. Đây là một dịp hiếm có để những người hằng quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên.
Đến 8 giờ 30, giáo sư Dương-Đức-Nhự, nguyên giáo sư đại học Văn Khoa Saigon, đại diện ban tổ chức ngõ lời chào mừng quan khách. Trước khi giới thiệu phần phát biểu cảm tưởng của nhà văn Nguyễn-Văn-Sâm, giáo sư Đương-Dức-Nhự cũng trình bày vắn tắt cảm nghĩ của Ông khi Ông đọc Bước Chân Non: “...Nhân đọc tập truyện thứ hai của Điệp-Mỹ-Linh, tôi đồng ý với bác sĩ Bửu-Châu khi nói về Điệp-Mỹ-Linh: ‘... mỗi một nhân vật, mỗi một tâm sự, mỗi một bối cảnh, chừng như muốn nhắn nhủ ta điều gì. Phải chăng tinh thần trách nhiệm được lồng vào trong tâm tình, trong lý tưởng...Gói ghém bấy nhiêu đó vào trong một vài nét bút, một vài ý văn, có khi thật đơn sơ mộc mạc, có khi lại sắc bén và sống động, có khi lại mơ màng với khung trời lý tưởng...Nét độc đáo trong văn của Điệp-Mỹ-Linh là ở chỗ đó!...’ Riêng đối với tôi, khi đọc Điệp-Mỹ-Linh tôi thấy trở về tình cảm với chính mình, một tình cảm đôn hậu, trong sáng.”
Tiếp theo là phần phát biểu của nhà văn Nguyễn-Văn-Sâm, nguyên giáo sư đại học Văn-Khoa Saigon: “...Trong khung cảnh trang trọng này tôi có một điều áy náy, đó là bạn của Điệp-Mỹ-Linh nhiều quá. Những thân tình mà tôi nhận thấy trên gương mặt của quý vị cho thấy Điệp-Mỹ-Linh được cảm tình nồng hậu của bạn bè, anh em, một điều mà tôi cảm thấy mình không được có; cho nên tôi nghĩ có lẽ chị Điệp-Mỹ-Linh ở ngoài đời dễ thương lắm cho nên chị được sự ủng hộ như vậy. Ước chi tôi được nhiều thân hữu thương mến như vậy thì đỡ quá!
Kính thưa quý vị, Điệp-Mỹ-Linh đã viết khá lâu, nhưng cách nay 7 năm, lần đầu tiên tôi đọc truyện của chị và từ đó tôi theo dõi cây bút này.
Trong hai tác phẩm của Điệp-Mỹ-Linh, chúng ta thấy tình quê hương sâu đậm, thắm thiết trước sự hy sinh cao cả, những hành động oai hùng, sự thua thiệt và tình yêu cao thượng của người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa. Điệp-Mỹ-Linh phải có cái nhìn tinh tế, một sự cảm thông bén nhạy, một đời sống gần gủi, sự chân tình mới diễn tả được. Sự diễn tả đó làm cho chúng ta đau xót về những người bạn; đó là sự khơi dậy tình yêu quê hương, lòng yêu một giai tầng đã cố giữ vững miền Nam của chúng ta. Tình cảm của Điêp-Mỹ-Linh cũng gắn bó với tâm tình của những phụ nữ có đời sống đạo đức.
Tôi thấy Điệp-Mỹ-Linh đủ khả năng làm xao xuyến người đọc. Và nhờ vậy Điệp-Mỹ-Linh đưa người đọc đến miền sâu thẫm họ từng có...”
Tiếp theo, giáo sư Trần-Ngọc-Lợi, nguyên Viện Trưởng đại-học Duyên-Hải Nha-Trang và hiện là giáo sư tại đại học Michigan, phát biểu như sau: “...Văn của Điệp-Mỹ-Linh hết sức sống thực. Điệp-Mỹ-Linh mô tả tâm trạng của nhiều mẫu phụ nữ khác nhau. Ngoài tình cha con, vợ chồng, gia đình, Điệp-Mỹ-linh còn mô tả nhiều thứ tình cảm khác như tình bạn, tình đồng đội. Điệp-Mỹ-Linh khai triễn tình đồng đội rất tuyệt vời trong truyện Bên Sông Cũ. Truyện này khiến tôi không cầm được nước mắt. Tình dân tộc, tình quê hương cũng vô cùng rạc rào, đậm đà. Tôi say mê đọc vì những tình tiết éo le và thấy như chính mình trong truyện...”
Sau đây là bài nói chuyện của luật sư Dương-Như-Nguyện, người đã gây nhiều xúc động cho quan khách cũng như cho tác giả Điệp-Mỹ-Linh: “Trước hết tôi xin ghi ơn nhà văn Điệp-Mỹ-Linh, gia đình và bạn hữu của Bà đã có nhã ý cho tôi cái hân hạnh được góp mặt trong phần phát biểu cảm tưởng về đứa con tinh thần thứ hai của Bà; nhất là trong khi so vối tuổi đời, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thưởng thức văn chương thì tôi chỉ là đứa bé con so với những vị khác đã có dịp trình bày, nhất là có sự hiện diện của thân phụ tôi – giáo sư Dương-Đức-Nhự - ở đây và Ông cũng đã trình bày cảm tưởng.
Giá trị văn chương trong tác phẩm của Điệp-Mỹ-Linh là một điều tôi không dám phê phán, vì công việc đó đã có những người khác đủ kinh nghiệm, đủ khả năng để nói lên. Nào là Minh-Đức Hoài-Trình, nào là nhà văn Nguyễn-Văn-Sâm... Tôi chỉ dám mô tả cảm tưởng của tôi khi tôi bắt đầu đọc tác phẩm của Điệp-Mỹ-Linh với truyện ngắn Mùa Bluebonnet.
Hình như có một nhà văn Tây-Phương nào đó đã nói: ‘Cái đẹp của văn chương không cần ở sự phù thủy của ngôn ngữ và tư tưởng mà đôi khi cái đẹp trong văn chương nằm trong cái bình dị của ngôn ngữ, nằm trong cái thành thật của tư tưởng’. Tôi xin mạn phép thưa với quý vị rằng câu nói ấy đã diễn tả phần nào giá trị văn chương của Điệp-Mỹ-Linh.
Khi đọc tác phẩm đầu tiên của Bà, Một Đoạn Đường, tác phẩm nói lên cảm nghĩ của Bà khi nhớ lại quê hương, hình dung qua màu sắc của một loài hoa từ Texas, tôi đã bàng hoàng xúc động. Cái nhẹ nhàng trong sáng, cái dịu dàng trong văn chương Thanh-Tịnh, cái nhẹ nhàng êm ái của văn chương Thạch-Lam và phần nào đó gợi cho tôi nhớ lại cái trong sáng, nhẹ nhàng trong văn chương tả cảnh, tả tình của Guy De Maupassant.
Nhưng thưa quý vị, điều tôi nhớ nhất khi đọc tác phẩm thứ hai của Bà, Bước Chân Non, là tính chất xã hội trong văn chương Điệp-Mỹ-Linh.
Tính chất xã hội trong văn chương Điệp-Mỹ-Linh không những ở chỗ Bà diễn tả được những biến đổi gây ra trong gia đình Việt-Nam từ thảm kịch 1975. Cái giá trị xã hội trong văn chương của Điệp-Mỹ-Linh không phải chỉ ở chỗ Bà đã nói lên thế nào là đời lính, thế nào là đời sống của vợ lính trước năm 1975, mà cái giá trị xã hội trong văn chương của Bà nó nằm ở chỗ rất nhiều truyện ngắn của Bà đã nói lên cái thua thiệt, cái nhẫn nại, cái chịu đựng của phụ nữ Việt-Nam trong một xã hội cổ truyền.
Trong một nền văn hóa mà nó đòi hỏi người đàn bà phải thua thiệt, phải nhẫn nại, phải chịu đựng...nhưng cái văn hóa đó không đòi hỏi người đàn ông phải nhẫn nại, chịu đựng, thua thiệt... Rất nhiều truyện ngắn của Bà nói lên khía cạnh tình cảm rất bình dị trong gia đình như ghen tuông, phạm tội, chịu đựng... Khi Bà nói lên những tâm sự ấy qua những mẫu đàn bà trong truyện của Bà thì ai dám bảo rằng văn chương của Điệp-Mỹ-Linh không cách mạng và không có xã hội tính?
Trong tập truyện Bước Chân Non, tôi nhớ Bà đã diễn tả tâm trạng ba người đàn bà trong một gia đình. Người mẹ tượng trưng cho sự nhẫn nại của xã hội cổ truyền. Người con gái lớn học y khoa, không phải vì cô ta thích mà chỉ vì cô ta muốn làm hài lòng bà mẹ. Cô ta đứng bấp bênh giữa xã hội cũ và xã hội mới. Nhân vật thứ ba tên là Lệ-Chi; đó là người con gái hoàn toàn chịu ảnh hưởng của xã hội Tây-Phương; nhưng cô ta có đầu óc riêng, tư tưởng riêng và cô ta biết phân biệt thế nào là phải thế nào là trái. Tôi nhớ rằng trong phần cuối của câu chuyện, người mẹ đến gặp người cong gái khi người con gái vừa quyết định dứt bỏ tình cảm với một người đàn ông, vì cô ta nhìn thấy bề trái của người đàn ông đó, thì người mẹ, tượng trưng cho xã hội cổ đã nói với người con gái là bà phục cô con ở chỗ cô đã tự quyết định lấy số phận của mình, cô đã có can đảm quyết định.
Khi câu chuyện của Điệp-Mỹ-Linh nói lên điều đó, thưa quý vị, ai dám bảo rằng Bà không đóng góp vào công việc đổi mới và dung hòa vai trò phụ nữ Việt-Nam trong xã hội mới?
Thưa quý vị, tôi xin mượn môi trường này và cử tọa này để nói với chị Điệp-Mỹ-Linh vài lời - lời của người em gái nhỏ muốn nói đến một nhà văn rất can đảm và nhiều chí hướng.
Thưa chị, một buổi tối em đi làm về rất mệt mỏi, Mẹ em điện thoại lên nói cho em biết chị sắp ra mắt tập truyện thứ hai. Em rất vui mừng cho chị và gần như em cảm động đến gần khóc; bởi vì em biết trong số bạn bè của em và ngay chính bản thân em, đã bao lần muốn viết mà không viết được, vì đủ lý do, nào là không có khả năng, không có thì giờ, không có ý chí.
Thưa chị, trong giây phút đó em muốn cầm đôi bàn tay của chị, đôi bàn tay của người đàn bà nuôi con, săn sóc chồng trong suốt hai mươi mấy năm, đôi tay của một nghệ sĩ cầm bút và đôi tay của một nhạc sĩ phong cầm. Em muốn cầm lấy đôi bàn tay của chị để nói với chị rằng: Thưa chị, tác phẩm của chị có ý nghĩa với nhiều người nhưng đối với em, với nếp sống của em nó còn giá trị hơn nhiều.
Thưa chị, nếp sống của em là nếp sống mà em phải đối thủ với thời gian. Em phải tranh sống giữa ba thành phố cực kỳ hoa lệ của Hoa-Kỳ: New York, Boston và Washington DC. Nếp sống của em là nếp sống phải bôn ba, không ai có thể nói chuyện với em về văn chương, văn hóa của xã hội em đã bỏ mất, một quốc gia em đã bỏ mất. Nếp sống của em là nếp sống mà em phải đương đầu với một thế giới da trắng trong những thành phố đầy tội ác, đầy dẫy uy quyền cũng như đầy hoa lệ.
Đã có những lần em sững sốt giữa trung tâm thành phố. Em đi tìm một miếng vườn nhỏ, một bãi cỏ xanh và đôi khi em đã tìm thấy trong trung tâm thành phố Hoa-Kỳ có một vườn hồng bé, những vườn tulipe bé, những cành uất kim cương đỏ sẫm, những bãi cỏ xanh...và em đã sững sốt, bàng hoàng, cảm động. Em dừng chân để biết rằng mình chưa vong thân trong xã hội này. Và những giây phút đó em chỉ muốn nhào đến nắm tay, đến ôm những người làm vườn không tên tuổi đã có công đem trồng cành hoa hồng, cành uất kim cương, đang tạo nên bãi cỏ xanh trong trung tâm thành phố.
Thưa chị, em nghĩ rằng trong tâm hồn của người Việt hải ngoại, khi nhận được tác phẩm của chị, những người có hoài bão, hoài niệm với văn chương Tổ Quốc chúng ta thì niềm vui của họ cũng giống như niềm vui của em khi dạo chân giữa trung tâm thành phố hoa lệ của Hoa-Kỳ để tìm thấy cho mình một cành hồng, một cành uất kim cương hay bãi cỏ xanh.
Nhưng thưa quý vị, người làm vườn ở thủ đô Washington DC là người không tên tuổi chứ Điệp-Mỹ-Linh của chúng ta thì tên tuổi của Bà đã, đang và sẽ đi sâu trong lòng những người hoài niệm văn chương.
Thay mặt cho những người bạn của em, những người muốn viết nhưng không bao giờ có thể hay có cơ hội để cầm viết, em muốn cảm ơn chị. Cái hoa hồng chị trồng nên, cành uất kim cương chị trồng nên, bãi cỏ chị đã tạo nên... sẽ mãi mãi như tấm gương sáng để chúng em noi theo, để chúng em ngưỡng mộ. Và thưa chị, công việc của chị làm là công việc can đảm, em mong chị hãy tiếp tục.
Xin trân trọng kính chào quý vị.
Người sau cùng cho ý kiến về tác phẩm Bước Chân Non là giáo sư Trần-Đình-Vinh, nguyên giáo sư đại học Khoa-Học Saigon: “...Đọc Điệp-Mỹ-Linh tôi thấy tác giả không dùng sáo ngữ, tránh Hán tự, tránh chữ Nôm, tránh điển tích, điều này tôi rất thích. Điệp-Mỹ-Linh có cách bố cục rất lạ, bất ngờ, thường gieo nhiều bâng khuâng cho người đọc. Đôi khi Điệp-Mỹ-Linh kết thúc cốt chuyện một cách lửng lơ khiến người đọc phải suy nghĩ, thấy tiếc rồi cố tưởng tượng thêm tùy theo cảm nghĩ, hoàn cảnh và thời gian... Văn của Điệp-Mỹ-Linh khi đọc lên có những tiết tấu, âm hưởng như một dòng nhạc...”
Cũng như lần ra mắt tác phẩm Một Đoạn Đường trước đây, tại Hyatt Regency Dowtown, Điệp-Mỹ-Linh độc tấu phong cầm một bản valse đễ kết thúc chương trình.
Qua buổi ra mắt sách này không ai có thể chối cãi rằng Điệp-Mỹ-Linh đã được cảm tình của mọi giới trong cộng đồng Việt-Nam tại Houston. Buổi ra mắt sách đêm nay được xem như là một sinh hoạt văn hóa thành công nhất từ trước đến nay tại Houston. *
* Tạp chí Giao-Chỉ, số tháng 9, 1987
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
Truyện Ngắn Chưa In Thành Sách