Phụng Hồng Giới Thiệu "Tưởng Như Trở Về"
Một người bạn từ Houston về lại Florida, mang theo một tác phẩm mới xuất bản, mang tựa đề Tưởng Như Trở Về của nhà văn Ðiệp-Mỹ-Linh..Tưởng Như Trở Về là tác phẩm thứ 7 sau các tác phẩm Một-Ðoạn Ðường, Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi 1975, Ðưa Tiễn và Cuồng Lưu.
Tưởng Như Trở Về là tập truyện gồm 7 truyện. Ngoài các truyện: Cây Ðàn của Thầy Dưỡng, Chút Êm Ái Buổi Chiều, Một Mảnh Ðời H.O., Cuối Con Ðường Một Chiều, Chuyến Tàu Thống Nhất, Bên Dòng Skagit là những truyện có thể xếp thuộc loại truyện ngắn. Riêng bài Tưởng Như Trở Về in ở phần đầu cuốn sách đã được trích đăng ở phần văn nghệ của bán nguyệt san Ngày Nay Houston, mà theo lời giới thiệu của Tòa Soạn là một Tùy Bút của một nhà văn trong Ban Biên Tập từ cuối thập niên 70. Nhưng nếu xem kỹ người đọc có thể liệt bài này vào loại hồi ký cũng được. Bởi vì theo tôi nghĩ, với giọng văn bình dị, trong sáng, không cầu kỳ điển tích, không nặng phần trích dẫn khô khan như ta thường bắt gặp ở một số ngòi bút khác, như một giấc mơ, tác giả dẫn ta về một tỉnh miền “thùy dương cát trắng” với thông reo, với sóng biển rầm rộ bốn mùa; nơi mà tác giả đã sống với bạn bè kỷ niệm thuở ấu thời hơn 43 năm về trước. (Ngày Nay số 402, ngày 01 tháng 02, 1998, trang B5)
Sau khi đọc hết tác phẩm Tưởng Như Trở Về, tôi không lấy làm lạ khi biết Ðiệp-Mỹ-Linh lớn lên tại miền biển Nhatrang, nên giọng văn của Ðiệp-Mỹ-Linh cũng tha thướt dạt dào như những cánh bướm ở Tháp-Bà, Hòn-Chồng, Hòn-Yến và trôi chảy chan chứa như sóng chiều nhấp nhô ở ghềnh Cầu-Ðá. Có đọc văn của Bà mới thấy quả thật Bà là một người được Trời sinh ra để làm nữ sĩ. Trái tim Ðiệp-Mỹ-Linh lai láng tình người (Cuối Con Ðường Một Chiều). Tim Ðiệp-Mỹ-Linh như dòng nước mênh mông phát nguồn từ những rung động chân thành (Cây Ðàn của Thầy Dưỡng), từ những ngậm ngùi cay đắng vô cùng vô tận (Trên Chuyến Tàu Thống Nhất), niềm cảm xúc đôi lúc dâng lên tột độ (Một Mảnh Ðời H.O.).
Ngày xưa Lamartine đã nói: “Văn nhân thi sĩ là những người đa sầu, đa cảm, đa thảm, đa mộng, và đa tình.” Những đặc tính này áp dụng vào Ðiệp-Mỹ-Linh thật đúng. Lời văn của Bà chải chuốt, thánh thót, êm ái, đưa người đọc đi vào nội dung một cách nhẹ nhàng thoải mái, rất hợp với cung cách bình dị của bút pháp của một ngòi bút nữ chân thật. Văn chương của Ðiệp-Mỹ-Linh không ồn ào mà dịu mát như buổi chiều mờ sương thu bên Xóm Bóng. Văn của Bà rất đa dạng nhưng bình dị, không hoa mỹ và dễ hiểu. Văn chương của Ðiệp-Mỹ-Linh đã vượt ra khỏi hàng rào của khuê phòng để dẫn người đọc vào cảnh đời thực tế của những kiếp người còn bị lao lý ở quê nhà. Ta hãy nghe tác giả bộc lộ:
“...Ồ, có, có. Hồi đó mợ có được công an phường thông báo. Nhưng lúc đó năm thằng con của mợ còn ở trong tù; và cậu, chỉ vì đến thăm Mẹ cháu mà cậu phải đi tù trở lại nên mợ sợ quá, trả lời công an là mợ không quen biết ai tên Phiên cả!...” (Cây Ðàn của Thầy Dưỡng, trang 44)
Sống dưới chế độ “xã nghĩa” là như thế đó. Phải sẵn sàng để nói dối, đen thành trắng, có nói không, không nói có để mà sống qua ngày, mà tồn tại để chờ ngày con ra khỏi tù là “dọt” ngay. Thế thôi. Hoặc dệt lại cuộc đời mới ở hải ngoại mà vươn lên:
“... Ðiều kiện làm việc trong hãng sửa xe thật là khủng khiếp! Mùa Hè, án nắng chói chang từ cửa lớn hắt vào như muốn nung chảy bánh xe. Mấy quạt máy kếch xù nơi mỗi góc nhà quay vù vù nhưng chỉ khuấy động lớp không khí hừng hực nóng chứ có đem lại tý mát mẻ nào đâu! Vào mùa lạnh, gió rít từng cơn trên mái tôn, gió lộng từng hồi vào cửa lớn. Mạnh mặc bên trong bộ đồ ấm bằng nỉ dày, bên ngoài đồng phục xanh, vậy mà đôi khi cũng bị cóng tay, môi run lập cập. Những lúc ấy, hai vết sẹo của Mạnh nhức buốt theo mỗi động tác đứng lên, ngồi xuống. Vậy mà Mạnh cũng chịu được biết bao năm rồi...” (Chuyến Tàu Thống-Nhất, trang 152)
Ðọc Ðiệp-Mỹ-Linh xin đừng đòi hỏi những gì gay cấn, cao siêu, giật gân như loại truyện “trinh thám ba xu” trước đây, vì cuộc đời thực chỉ là phản ảnh của cuộc sống vật chất tồn tại của bản ngã – mà hãy hòa đồng với nội tâm của tác giả để cùng thông cảm với dĩ vãng vàng son lẫm liệt một thời, của Bà. (Tưởng Như Trở Về). Bạn sẽ thấy lòng mình lắng xuống khi thấy những nhân vật trong truyện, hay chính Ðiệp-Mỹ-Linh thì cũng thế, như Mộc-Lan trong Cuối Con Ðường Một Chiều; hoặc diễn giả trong Trên Chuyến Tàu Thống-Nhất, đã nói hộ mình những u uẩn, những khúc mắc thầm kín. Cũng xin đừng thắc mắc “sự thật ngoài đời” hay “hư cấu tưởng tượng”, vì dưới ngòi bút của Ðiệp-Mỹ-Linh, những vai vế “đào kép” trong truyện đều do đời thực tế thu gọn lại, và hiện lên từ quá khứ xa xôi, khó mà phân biệt đâu là quá khứ, đâu là hiện tại, đâu là tương lai. Và đó chính là lúc ký ức đã hiện về trong trí nhớ của nhà văn. Và đó chính là những chuyện có thật. Tiếc thay một số đã “ra đi”, như Cố Chuẩn Tướng Nguyễn-Bá-Liên, nguyên Tư-Lệnh biệt khu Ben-Hét, đã vĩnh viễn nằm xuống - mà theo Ðiệp-Mỹ-Linh - “ở một nơi rất yên bình và không có thù hận!” khi tuổi đời chưa được 40!
Năm 1956, khi Ðiệp-Mỹ-Linh đàn phong cầm trong ban ca nhạc Bình-Minh với Thúy-Minh và Hoàng-Thu thì Nguyễn-Bá-Liên là trung úy tiểu đoàn phó tiểu đoàn I Thủy- Quân Lục-Chiến; một số còn sống nhưng lại lưu lạc bốn phương trời như Hoàng-Việt-Sơn, tác giả bài thơ Tiếng Ðàn Ðêm Trung-Thu, lúc đó đang theo học Quân-Y. Ðó là phần thưởng đáng giá cho những người bạn cũ đọc (như Thúy-Minh hiện ở New York và Hoàng-Thu ở Saigon), để tìm lại quãng đời hoa bướm của mình qua những dòng văn gợi cảm của Ðiệp-Mỹ-Linh.
Ðọc văn của Ðiệp-Mỹ-Linh người đọc tìm thấy một đặc tính đồng nhất của tâm tư là sự trong sáng, giản dị, chân thành như cuộc đàm thoại bình thường giữa giới trung lưu. Tâm tình của nhân vật rất an bình và lạc quan. Nghĩ cho cùng, dựng chuyện là hư cấu, nhưng qua ngòi bút của Ðiệp-Mỹ-Linh, hư cấu nào cũng mang dấu vết của một chút gì có thật ngoài đời. Ðó là một điểm son của truyện chính mang tựa đề Tưởng Như Trở Về mà những nhân vật còn sống sót sau gần nửa thế kỷ sẽ là nhân chứng giùm cho tác giả vậy (Tưởng Như Trở Vể, trang 6).
Về hình thức, tập truyện in đẹp, bìa rất lôi cuốn sự chú ý. Mỗi chủ đề đều có kèm theo một phụ bản rất đặc sắc làm cho người đọc dễ cảm thông với nhân vật chính trong truyện và tìm về với hình bóng cũ của thời đã qua.
Hai lần ra mắt sách ở Houston và Bắc Cali đã đem lại cho tác giả một thành công lớn. Ðiệp-Mỹ-Linh đã chiếm trọn cảm tình của độc giả bốn phương. Tôi nghĩ đó là niềm an ủi vô biên và tự hào cho Ðiệp-Mỹ-Linh, người đang dấn thân trên dặm đường dài trong thế giới văn chương. Xin chân thành cầu chúc Bà gặt hái được nhiều bông hồng trong vườn hoa văn học. Sức sáng tác của Ðiệp-Mỹ-Linh rất dồi dào, phong phú hầu như vô tận; vì sau tác phẩm Tưởng Như Trở Về, tác giả hiện đang chuẩn bị cho ra đời đứa con tinh thần thứ tám, mang tên Tìm Vết Chân Xưa. Ðiệp-Mỹ-Linh đáng được trao tặng một đóa hoa hồng về mặt sáng tác văn học và cũng đáng được khích lệ về mặc lý tưởng mà Bà đang theo đuổi.
Cuối cùng, thay cho lời kết, trước khi gấp cuốn Tưởng Như Trở Về để đặt trở lại vào đúng vị trí trang trọng trong tủ sách gia đình, tôi muốn chia xẻ nỗi niềm riêng tư với tác giả: Văn chương không thể dùng thước mà đo lường giá trị, chất lượng và mức độ tác dụng trong thị trường chữ nghĩa được. Tùy theo cảm quan của từng độc giả mà khám phá trong Tưởng Như Trở Về có bao nhiêu viên đá quý. Trong tinh thần đó và trong niềm tin xác định trên một khía cạnh của vấn đề đã nêu ra, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tập truyện này của Ðiệp-Mỹ-Linh, cũng như những tập truyện trước đây và sau này, đáng chiếm được một vị thế xứng đáng trên Văn Ðàn Việt-Nam hải ngoại. *
* Bán Nguyệt San Ngày Nay Houston và Nguyệt San Hồn-Việt, California
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
- Hoàng Vũ Bão -- Tập Thơ Nửa Đời Thương Đau
- Tuý Hà
- Mũ Nâu -- ĐML 55 Năm Cầm Bút
- Huy Tâm -- Chỉ Còn Là Kỷ Niệm
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
- Chuyến Bay Định Mệnh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
- Quân Nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà
Bài Mới Chưa In Thành Sách
- Nó Đã Nhầm
- Cháu Đích Tôn Của “Ngụy”
- Cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh
- Đề Đốc Trần Văn Chơn
- Cô Bé Trong Nhà Thờ
- Hỡi Người Trẻ Việt Nam
- Mặt Chuột
- Góp Ý Với Lê Mã Lương
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Người Hùng Của Tôi -- John McCain
- Bạn Lính
- Người Trẻ Việt Nam Hôm Nay
- Quốc Ca Mới Của Đảng
- Ngậm Miệng Ăn Tiền
- McCain Ra Đi
- Tại Sao?
- Lời Tử Sĩ
- Trường Sa -- Hải Đảo Tội Tình
- Trường Sa Thuộc Về Ai?
- Kỷ Niệm Với Chữ Nghĩa
- Niềm Kỳ Vọng Của Ba Tôi
- Nỗi Niềm Của Người Vợ Lính
- Cộng Sản Việt Nam Rơi Mặt Nạ
- Từ HCM Đến "Bức Tử" Trường Sa