Họa Sĩ Phạm Thông và Di Tích Lịch Sử
Xin anh vui lòng cho biết sơ lượt về tiểu sử của anh.
Tôi được sinh ra tại Nam-Ðịnh, di cư vào Nam năm 1954, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại Houston, TX.
Xin anh cho biết anh xuất thân từ trường Mỹ-Thuật nào?
Tôi tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Mỹ-Thuật, ngành Hội Họa, năm 1965.
Anh có bi trưng dụng vào Quân-Ðội hay không? Nếu có, xin anh cho biết thời gian, binh chủng, đơn vị và cảm tưởng của anh suốt thời kỳ phục vụ trong quân ngũ.
Tôi gia nhập trường Võ-Bị Thủ-Ðức tháng 06 năm 1968; sau khi tốt nghiệp, tôi phục vụ tại Tiểu-Ðoàn 5 Chiến-Tranh Chính-Trị, cục Tâm-Lý-Chiến. Và sau đó tôi được lệnh biệt phái về làm việc với kiến trúc sư Ngô-Viết-Thụ.
Xin anh cho biết, trong những tác phẩm của anh, tác phẩm nào anh vừa ý nhất và tác phẩm nào được quần chúng yêu thích nhất?
Tôi chỉ ưng ý khi tác phẩm chưa hoàn thành; sau khi hoàn tất, chả có tác phẩm nào tôi ưng ý cả.
Tôi nghe nói anh là tác giả của Tượng Ðức Trần-Hưng-Ðạo, tọa lạc tại Bến Bạch-Ðằng, có phải không, thưa anh?
Vâng, thưa chị, đúng vậy.
Xin anh cho biết cơ duyên nào mà anh lại được hân hạnh đảm trách một phần việc mang đầy tính cách lịch sử như vậy?
Năm đó tôi mới 22 tuổi, còn ham chơi; nhưng khi hay tin Hội Ðức Thánh Trần và Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa tổ chức một cuộc thi mô hình, tôi tham dự và mô hình của tôi được chọn.
Xin Anh cho biết có bao nhiêu điêu khắc gia tham dự cuộc thi?
Trong cuộc thi mô hình này có trên mười điêu khắc gia; trong số đó có cả điêu khắc gia Nguyễn-Thanh-Thu, tác giả pho tượng Thương Tiếc đặt tại cổng Nghĩa-Trang Quân-Ðội.
Xin anh cho biết khái quát về đồ án và thời gian đúc, xây và dựng Tượng Ðức Thánh Trần.
Tại công trường Mê-Linh, bến Bạch-Ðằng, có tượng Hai Bà Trưng, nhưng trông lại giống bà Ngô-Ðình-Nhu, người chị dâu đầy quyền lực của Tổng Thống Ngô-Ðình-Diệm. Năm1963, sau khi đảo chánh, Tổng-Thống Ngô-Ðình-Diệm bị sát hại, tượng đó bị giật sập. Lúc đó Ðô-Ðốc Trần-Văn-Chơn còn là Ðại Tá, chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân. Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn nhận thấy công trường Mê-Linh tọa lạc tại bến Bặch-Ðằng, lại cạnh Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân, thì việc dựng tượng Ðức Trần-Hưng-Ðạo tại địa điểm đó là thích hợp hơn cả. Vì vậy, Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn vận động và được chấp thuận xây Tượng Ðức Thánh Trần tại Bến Bạch-Ðằng. Vì muốn đồ án được hoàn tất nhanh chóng, Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn đề nghị nên dùng chân tượng cũ, hình tam giác, và bao lại như mũi thuyền. Tượng Ðức Thánh Trần chỉ xuống sông Bạch-Ðằng với lời nguyền: “Nếu không diệt được quân Nguyên, ta thề sẽ không trở về sông này.” Bên dưới bức Tượng có tám bức phù điêu viết về lịch sử của Ðức Thánh Trần.
Tôi cũng nghe nói anh là tác giả của một đồ án rất mỹ thuật, cũng mang tính cách lịch sử, được dựng tại một địa điểm thương mại rất sầm uất của người Việt tại Houston, đúng không, thưa anh?
Vâng, thưa chị, đúng.
Xin anh cho biết thêm càng nhiều chi tiết càng tốt về pho tượng đó.
Hội Ðức Thánh Trần tại Houston tổ chức một cuộc thi. Tôi dự thi dưới một tên khác, chứ không để tên Phạm-Thông. Tôi được chọn. Sau khi đồ án được hoàn tất và khánh thành, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao tác giả lại cố tình tạc bức tượng Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa quá nhỏ so với bức tượng của Người Lính Hoa-Kỳ, có phải vì mặc cảm hay không? Nhân đây, tôi xin được trình bày ý nghĩ thật của tôi. Tôi là một người Lính, hơn ai hết, tôi thấy và hiểu rõ hoàn cảnh và tâm trạng của Người Lính. Những Ngưới Lính tác chiến, những Người Lính Ðịa-Phương-Quân, v.v... họ nghèo và cơ cực lắm cho nên cơ thể của họ không được phát triển như những Người Lính văn phòng, Lính thành phố.
Như vậy nghĩa là anh có chủ đích khi tạc bức Tượng đó.
Ðúng vậy.
Xin anh cho biết tên của bức tượng đó.
Tên là Tượng Ðài Chiến-Sĩ.
Từ trước đến nay anh có triển lãm tranh của anh hay không? Nếu có, xin anh cho biết chi tiết về những cuộc triển lãm đó; nếu không, xin anh cho biết tại sao một họa sĩ tài hoa như anh mà lại không muốn thực hiện triển lãm để công chúng được chiêm ngưỡng?
Có. Tôi có nhiều cuộc triển lãm tại Saigon Việt-Nam cũng như tại Tokyo, Paris, Ðức và Holland.
Như vậy, tôi nghĩ, có lẽ anh nhận được nhiều huy chương và bằng khen thưởng, phải không, thưa anh?
Vâng. Huy chương và bằng khen thưởng của tôi gồm có:
*.-Năm 1963 huy chương vàng tại Saigon Painting Exhibition.
*.-Năm 1964 bằng khen thưởng tại Esso Painting Exhibition.
*.-Năm 1965 bằøng khen thưởng tại Catholic Painting Exhibition.
*.-Năm 1966 huy chương vàng tại Saigon Painting Exhibition.
*.-Năm 1967 bằng khen thưởng tại Tokyo Exhibition.
Xin anh cho biết những vui buồn trong cuộc đời của anh - một họa sĩ kiêm điêu khắc gia?
Một kỷ niệm tôi nhớ mãi là, năm 1963, lúc tôi vừa 19 tuổi, đang học năm thứ hai trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật thì Tổng Thống Ngô-Ðình-Diệm tổ chức một cuộc thi Hội Họa toàn quốc. Sinh viên trường Cao-Ðẳng Mỹ-Thuật bị cấm, không cho tham dự bất cứ giải thưởng nào; vì Trường ngại, nếu sinh viên đó không trúng giải thì uy tín của Trường sẽ bị giảm. Tôi tham dự, lấy biệt hiệu là Phạm Văn. Bức tranh của tôi được huy chương vàng, kèm 40 ngàn đồng tiền thưởng và Tổng Thống Ngô-Ðinh-Diệm hứa sẽ cho tôi một học bổng sang Ý du học. Thầy tôi, giáo sư Lê-Văn-Ðệ, sau khi biết được kết quả, đã vui mừng và khen thưởng tôi. Nhưng phòng triển lãm mở cửa ngày 26-10-1963 thì ngày 01-11-1962 Tổng Thống Ngô-Ðình-Diệm bị đảo chánh; vì vậy, tôi chỉ nhận được 40 ngàn tiền thưởng, còn học bổng du học thì không nghe nhắc tới.
Một kỷ niệm nữa cũng khó quên, đó là năm 1975, lúc mới định cư tại Minnesota. Ðể tìm kế mưu sinh, tôi tìm chỗ thuê để mở phòng vẽ. Ông quản lý nhìn tôi một cách xoi bói rồi lắc đầu, không cho thuê – vì không tin tưởng vào tài năng của một người di tản. Tôi vẫn không để tự ái làm nản lòng. Mỗi ngày tôi vẫn đến gặp ông quản lý, năn nỉ. Cuối cùng, ông quản lý chỉ ra vỉa hè, nơi cuối góc của khu thương mại, bảo tôi cứ đem đồ nghề ra ngồi đó mà vẽ, ông không tính tiền thuê.
Hôm đầu tiên, vài người đi ngang, tò mò nhìn tôi. Tôi mời họ dừng lại để tôi vẽ chân dung cho họ, không tính tiền.
Xin lỗi, anh cho phép tôi ngắt lời. Anh chuyên vẽ chân dung à?
Vâng. Tôi chuyên vẽ chân dung.
Xin anh tiếp nối câu chuyện.
Tôi vẽ rất nhanh. Sau khi bức tranh hoàn tất, họ nhìn bức tranh rồi nhìn tôi với ánh mắt đầy ngạc nhiên. Xong, họ bảo nhau, không thể free được và họ vui vẻ trả tiền cho tôi. Cứ thế, họ đưa bạn bè và gia đình đến cho tôi vẽ chân dung. Họ tuần tự sắp hàng. Cuối cùng, không biết tại sao ông quản lý khu thương mại biết được, ông ấy đến góc vỉa hè gặp tôi và đồng ý cho tôi thuê một căn để làm phòng vẽ.
Hiện tại, phòng vẽ của anh được đặt tại khu vực nào, thưa anh?
Phạm-Thông chỉ ngôi nhà riêng biệt, ngay phía sau ngôi biệt thự đồ sộ của anh, đáp:
Ðấy. Ðấy là Studio của tôi. Tôi có hai anh Mễ phụ việc.
Nhìn quanh phòng khách được trang trí rất mỹ thuật, và nhìn xuyên qua khung kính cửa trước để thấy bức tượng Người Lính Việt-Nam Cộng-Hòa được tạc vào tường, tôi không nén được xúc động:
Tôi thích bức tượng đó nhất.
Dạ, cảm ơn chị.
Dạ, không dám. Xin anh cho biết, anh muốn nhắn gửi điều gì đến những người mến mộ anh hay không?
Tính tôi ít thích nói về “cái tôi” của tôi. Nhưng chị hỏi thì tôi nói. Vâng, tôi xin cảm ơn bạn hữu và những người yêu thích tác phẩm của tôi.
Xin cảm ơn anh, xin cảm ơn chị Phạm-Thông đã chia xẻ cùng độc giả về những thăng trầm trong đời của một họa sĩ kiêm điêu khắc gia. Xin đa tạ anh về những bìa sách rất đẹp mà anh đã vẽ tặng tôi. Tôi cũng thành thật cảm ơn anh chị đã dành cho tôi những giờ phút hiếm quý của một buổi chiều êm ả.
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
Truyện Ngắn Chưa In Thành Sách







