Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Voice of America) Phỏng Vấn Điệp-Mỹ-Linh
Nguyễn-Vĩnh-Châu thực hiệnXin chị cho biết xuất xứ của bút hiệu Ðiệp-Mỹ-Linh.
Bút hiệu Ðiệp-Mỹ-Linh bắt nguồn từ bút hiệu Ðiệp-Linh của ông Cụ tôi, lúc ông Cụ cộng tác với tờ Ðuốc-Thiêng và tờ Sóng Thần. Ðiệp-Linh là tên tôi và tên người em kế, bạn học với anh ngày xưa, kết lại. Khi tôi bắt đầu cầm bút tập tành viết lách, tôi muốn “dựa hơi” Ba tôi cho nên tôi xin ông Cụ cho tôi mượn bút hiệu của Cụ rồi ghép chữ lót của đứa em gái vào thành ra Ðiệp-Mỹ-Linh.
Chị viết trước năm 1975. Nhưng tại sao trước năm 75 chị viết ít mà sau 75, với cuộc sống bận rộn, vất vã tại Hoa-Kỳ, chị lại viết nhiều?
Trước năm 1975 điều kiện viết của tôi rất khó khăn, vì ông nhà tôi không thích tôi viết, tôi phải viết lén. Sang đến đây, cuộc sống tuy bận rộn, vất vã nhưng nhờ môi trường mới tôi mới hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của cuộc sống và cuộc đời của một phụ nữ. Khi hiểu ra rồi và nhận thấy việc viết lách không phải là một điều sai quấy cho nên tôi không còn viết lén nữa.
Như vậy có nghĩa rằng điều kiện viết của chị đã dễ dàng hơn trước năm 75, phải không, thưa chị?
Vâng. Khi nào ông nhà tôi vui thì ông ấy lờ đi; khi ông ấy không vừa lòng điều chi thì tôi phải nghe “tiếng bấc tiếng chì” về việc viết lách của tôi!
Trong tất cả những tác phẩm của chị có bao nhiêu truyện mang tính cách tự truyện?
Trong những tác phẩm đã xuất bản, tôi nghĩ tùy bút Tưởng Như Trở Về có thể xem như tự truyện; vì trong ấy tôi viết về quê Nội của tôi - Nhatrang - cho nên tôi đã nhắc lại nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Còn những truyện khác tôi nghĩ tôi chỉ tự đặt mình vào nhân vật và để tình cảm của mình tuôn tràn theo diễn biến của câu chuyện.
Chị sống tại Mỹ, chị lấy chất liệu từ đâu để viết về trại tù, kháng chiến, đoàn tụ H.O.?
Dạ, nghe kể. Trong những chốn đông người, tôi thường im lặng để nghe, ghi nhận và quan sát khi những người chung quanh chuyện trò.
Trong hai tập truyện Ðưa Tiễn và Tưởng Như Trở Về tôi nhận thấy có vài truyện như Người Ðem Sông Nước Trở Về, Ðưa Tiễn, Cây Ðàn của Thầy Dưỡng và Mảnh Ðời H.O. rất sát với thực tế. Xin chị cho biết những truyện đó là hư cấu hay chuyện thật?
Trước hết, xin cảm ơn anh đã đọc những tác phẩm của tôi. Và để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin xác nhận: Hai truyện Người Ðem Sông Nước Trở Về và Ðưa Tiễn là thật. Trong hai truyện đó tôi viết về một độc giả trẻ của tôi, lúc đó “anh chàng” chỉ ngoài 20 tuổi và là trung úy Hải-Quân Hoa-Kỳ, tòng sự trên hàn không mẫu hạm Independence. Còn Cây Ðàn của Thầy Dưỡng và Một Mảnh Ðời H.O. do ông Cụ của tôi kể lại.
Chị nghĩ như thế nào về tình trạng báo chí và giới cầm bút tại hải ngoại?
Có thể chia làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là từ 75 đến 85. Thời kỳ này nhiều người cầm bút chuyên nghiệp bi kẹt lại trong nước và mọi người di tản đều phải lo vấn đề kinh tế gia đình cho nên báo chí rất khan hiếm bài vở. Có thể nói, vào thời kỳ đó, một bài có giá trị thường được nhiều báo trích đăng - mà không hề liên lạc hoặc thông báo cho tác giả. Thời kỳ kế tiếp là từ 85 cho đến nay, nhiều cây bút chuyên nghiệp và nhiều tù nhân chính trị vượt thoát đã vượt biên sang đây. Những cây bút chuyên nghiệp có cơ hội cầm bút trở lại; những tù nhân vượt thoát cũng viết ra những oan khiên của họ cho nên lúc này báo chí không rơi vào tình trạng thiếu bài nữa và hồi ký được nảy sinh rầm rộ. Và tôi nghĩ, sau giai đoạn hai thì sẽ có giai đoạn thứ ba. Ðây là giai đoạn những người về hưu, muốn lưu lại một chút gì hoặc họ muốn viết để giải khuây. Nếu đúng như tôi dự đoán thì sách báo Việt Nam sẽ bị “lạm phát” vì người viết nhiều hơn người đọc.
Chị nghĩ như thế nào về tình trạng “giao lưu văn hóa”?
Ông Cụ của tôi gọi hai danh từ kép “giao lưu văn hóa” là... hiếp dâm chữ nghĩa! Làm gì có giao lưu khi mà chỉ một dòng từ Việt Nam tuôn ra.
Về văn chương Việt-Nam chị thích đọc tác giả nào? Và chị chịu ảnh hưởng của cây viết nào?
Mỗi tác giả tôi thích một vài tác phẩm chứ tôi không hoàn toàn thích tất cả tác phẩm của một tác giả nào cả. Tôi chịu ảnh hưởng của một ngòi bút tài tử – Ba tôi.
Ðọc văn của chị, người đọc thấy rõ chị là một người có tinh thần quốc gia cao và chị chống cộng một cách thâm thúy, nhẹ nhàng. Xin chị cho biết nguyên nhân nào khiến chị có thái độ đó?
Tôi chỉ trình bày những sự kiện và tình huống có thật chứ tôi không chống Cộng vì chính trị hay vì thù hận gia đình hoặc cá nhân.
Chị nghĩ như thế nào khi có người đặt biệt hiệu cho chị là một “người lính không có số quân”?
Tôi đã từng mặc quân phục thủy thủ, ăn cơm lính, ngủ trên chiến đỉnh mà đến mấy mươi năm sau mới được tặng danh hiệu thì cũng vui thôi.
Ðọc văn của chị, người đọc còn nhận thấy chị rất có khiếu về âm nhạc. Vậy chị cho hỏi, nhạc Việt và nhạc ngoại quốc, chị thích nhạc nào nhiều hơn? Tại sao?
Tôi thích hát và nghe nhạc Việt. Nhưng khi đàn tôi chỉ thích đàn nhạc ngoại quốc, vì nhạc Việt thường được diễn đạt và thu hút bằng lời ca chứ ít thích hợp để độc tấu.
Trong nền âm nhạc Việt-Nam, chị thích nhạc sĩ nào và tại sao?
Về nhạc, cũng như văn chương, tôi thích một số bài của một nhạc sĩ này, một ít bài của một nhạc sĩ khác. Có thể nói, tôi thích Trịnh-Công-Sơn, Ðặng-Thế-Phong, và Ngọc-Bích vì lời ca.
Sống ở ngoại quốc đã mấy mươi năm, tình cảm chị dành cho nhạc sĩ mà chị thích có thay đổi hay không? Nếu không thì tại sao? Nếu có thì tại sao?
Dạ, không thay đổi. Khi nghêu ngao những bài của Ðặng-Thế-Phong, Ngọc-Bích, tôi nhớ Ba Má tôi - vì những tác phẩm của hai nhạc sĩ này “đi” vào đời tôi rất sớm, từ khi Ba tôi dạy tôi đàn. Tôi buồn theo những kỷ niệm buồn và vui theo những kỷ niệm vui. Riêng lời ca của Trịnh-Công-Sơn gợi lại trong tôi những gì đáng yêu, đáng nhớ của những ngày mới lớn. Nhưng thôi, âm nhạc đã “chết” trong tôi từ mấy mươi năm nay rồi!
Tại sao chị phát biểu một câu nghe buồn quá vậy?
Tại vì tôi dại, tự ái không đúng chỗ. Chỉ vì những “tiếng bấc tiếng chì” mà bỏ đàn bỏ hát từ mấy mươi năm nay! Nhưng nghĩ lại, đó cũng là cái may, bởi vì, nếu tôi còn chơi đàn chưa chắc tôi đã cầm bút liên tục.
Trở lại với vấn đề văn chương, xin hỏi chị về những dự định của chị trong thời gian sắp tới?
Tôi đang chuẩn bị xuất bản tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa.
Cách nay một thời gian tôi được biết chị đã dự tính viết về các nhà văn quân đội miền Nam. Xin chị cho biết bao giờ thì tác phẩm ấy ra đời?
Dự tính này nảy sinh trong tôi từ sau khi tôi hoàn tất cuốn tài liệu Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Ra Khơi, 1975. Nhà văn Thế-Uyên đã khuyến khích và hứa sẽ giúp đỡ, nếu tôi cần. Tôi đã liên lạc được với nhiều nhà văn quân đội. Nhưng bất ngờ tôi bị bệnh về mắt, mà tác phẩm này đòi hỏi rất nhiều về nghiên cứu và đọc, cho nên tôi phải tạm ngưng. Bệnh mắt của tôi không chữa được nhưng tôi vẫn còn nuôi ý định đó. Nhưng cách nay không lâu tôi được biết dường như một nhà văn bên Cali. đang thực hiện một tác phẩm tương tự cho nên tôi không muốn “dẫm chân” lên việc làm của anh ấy.
Xin chị cho biết khi nào thì Tìm Vết Chân Xưa hoàn tất?
Nhà xuất bản Văn-Mới đã nhận lời xuất bản. Tôi chỉ cần đọc lại và sửa lỗi chính tả thôi.
Xin cảm ơn chị.
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
Truyện Ngắn Chưa In Thành Sách