
Nhớ Kẻ Trồng Cây
(Tạ ơn người tặng sách)
Bút ký - Nguyễn Đình Sài VT-64
Kể từ ngày tham gia vào diễn đàn Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang, người viết có được một niềm vui chung như mọi người, đó là được cơ hội quen biết với một số anh chị em “mới”. Người viết dùng chữ “mới” trong ngoặc kép, là vì mặc dù cùng học chung trường Võ Tánh, nhưng trong thời gian đi học, người viết chưa từng được hân hạnh quen biết.
Vậy mà sau một thời gian sinh hoạt chung trên diễn đàn, trao đổi ý kiến, cùng kinh nghiệm sống, người viết đã nhận được tình cảm quý mến từ một số khá đông bạn “đồng môn” hai trường; một số bạn nay đã trở thành rất thân thiết. Đặc biệt, ngoài những bạn đó, người viết còn được làm quen với một số nhà văn, nhà thơ và đã được họ tặng một số tác phẩm mà họ đã dày công sáng tạo.
Bút ký này nhằm 3 mục đích: Thứ nhất là kể lại trường hợp quen biết với quý anh, chị, em đã tặng sách quý. Thứ hai là nói lên lòng biết ơn của người viết. Và thứ ba là thể hiện lòng hãnh diện được là “đồng môn” của họ.
Với những mục đích có tính chủ quan của người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người viết xin thưa rằng: Bút ký này không phải là một bài điểm sách. Vì một lẽ đơn giản, một bài điểm sách cần được viết đầy đủ với những nhận xét, phê bình về những khía cạnh xuất sắc hay bất toàn của mỗi tác phẩm. Hơn nữa, bài điểm sách cũng không cần thiết, vì các nhà văn, nhà thơ này đã thành danh trên các diễn đàn văn học từ lâu; và tác phẩm của họ đều đã được “điểm” bởi các nhà bình luận trứ danh.
Từ đầu năm 2004 đến nay, trên diễn đàn và trong các lần Hội Ngộ VT&NTH hàng năm, người viết đã được hân hạnh quen biết rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà truyền thông xuất thân từ hai trường. Có 7 nhà văn và nhà thơ đã tặng tác phẩm cho người viết. Theo nề nếp kính trọng các bậc “sư huynh”, “sư tỷ” trước rồi đến “sư đệ”, “sư muội”, xin kể phương danh các vị đó là: Sư huynh Huỳnh Văn Phú, sư huynh Nguyễn Thanh Ty, sư tỷ Điệp Mỹ Linh, huynh đài Phạm Tín An Ninh, sư đệ Vũ Hoàng Thư, sư muội Phan Thị Ngôn Ngữ và sư muội Cung Thị Lan.
Người viết đã viết cảm nghĩ của mình sau khi đọc xong cuốn “Trại Đá Bàn & A-30” của sư huynh Nguyễn Thanh Ty. Nay người viết xin vắn tắt ghi lại cảm nghĩ của mình sau khi đọc các tác phẩm còn lại, trong tinh thần “chia xẻ ngọt bùi” cùng quý tác giả, theo thứ tự nêu trên.
Sư tỷ Điệp-Mỹ-Linh:
Trăng Lạnh
Người viết không quen biết chị Điệp Mỹ Linh qua diễn đàn Võ Tánh & Nữ Trung Học mà qua mối giây sinh hoạt của Hải Quân. Ngày xưa, chị là phu nhân của một Hải Quân Trung Tá Khóa 8 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.
Ngoài những tác phẩm văn chương như Một Đoạn Đường, Bước Chân Non, Sau Cuộc Chiến, Tưởng Như Trở Về, Cuồng Lưu, Đưa Tiễn, Tìm Vết Chân Xưa, chị Điệp Mỹ Linh cũng là tác giả cuốn tài liệu nổi tiếng trong giới Hải Quân: Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 (xuất bản 1990 và tái bản 2011).
Năm 1996, trong Đại Hội Tổng Hội Hải Quân và Hàng Hải Thương Thuyền tại San Jose, người viết đã thấy chị một lần. Chị tham dự Đại Hội với phu quân. Chị Điệp Mỹ Linh được giới thiệu trước Đại Hội, là tác giả của cuốn tài liệu về những cuộc rút quân bằng đường biển của Hải Quân, vừa được xuất bản vài năm trước đó, nên chị nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt. Với nhân dáng xinh đẹp, quý phái và thái độ nghiêm trang mà khiêm tốn, chị đứng lên cúi đầu chào mọi người.
Khoảng đầu năm 2011, một hôm, người viết nhận được email của chị, mời mua cuốn sách HQVNCH Ra Khơi, 1975 vừa được tái bản. Trước đây người viết đã có sách này, do Hội Hải Quân phổ biến, nhưng đã bị thất lạc khi dọn nhà. Vì vậy người viết đặt mua cuốn mới để khi cần dùng làm tài liệu biên khảo. Không ngờ kèm theo sách tài liệu, chị Điệp Mỹ Linh còn gởi tặng một tác phẩm mới xuất bản: Trăng Lạnh.
Emails qua lại vài lần, người viết được biết chị Điệp Mỹ Linh tên thật là Thanh Điệp, cũng là cựu học sinh Võ Tánh Nha Trang, Ban B (B4), niên khóa cuối cùng là 1962-1963. Như vậy, sư tỷ Thanh Điệp học trước người viết một năm.
Trăng Lạnh là một tập truyện gồm 2 bài bút ký và 10 truyện ngắn. Hai bài bút ký có cùng một nội dung, một viết bằng Việt ngữ, bản kia bằng Anh ngữ. Trong bài bút ký, sau vụ quân khủng bố tấn công New York và DC ngày 11-9-2001, tác giả ghi lại sự tri ân của chị đối với Hoa Kỳ, mảnh đất đã cho chị và gia đình dung thân từ khi di tản khỏi đất nước trong cuộc đổi đời 1975.
Ngoại trừ vài truyện, các nhân vật trong mỗi truyện còn lại dù có tên khác nhau, song người viết đọc các truyện không khỏi có cảm nghĩ các nhân vật nữ hình như phỏng theo khuôn mẫu của một người đàn bà xinh đẹp, lễ nghĩa, nghiêm trang, có tinh thần trách nhiệm cao, có nội tâm sâu sắc nhưng khép kín, am hiểu nhạc lý và nhạc cụ cùng những bản nhạc “classic”, có tâm hồn nhạy cảm, song rất dè dặt trước những lời tỏ tình của những người say mê nhan sắc và nhân cách của mình.
Hầu hết các truyện đều có đoạn kết chia xa, có khi ngang trái, bi thảm, nếu không vì tình yêu đã phai nhạt thì cũng vì ngăn cách âm dương hoặc vì thói đời đen bạc. Tình yêu chỉ là một thoáng rung động như tơ đàn cung nhạc ngân lên trong đêm khuya tĩnh lặng. Thế thôi. Rồi những nhân vật trở về với trạng thái cô đơn của mình.
Qua những truyện ngắn, dù với nội dung khác nhau, hình như tác giả đã lồng vào những kỷ niệm mà chính chị đã trải qua(?); những kỷ niệm đã mang lại u buồn, ai oán, thất vọng vì tình người, đau lòng vì bất hạnh. Trăng Lạnh, truyện ngắn được dùng làm tựa đề cho cả tập truyện, là một điển hình. Trong một chuyến đi du thuyền Alaska, tàu ghé bến cảng Juneau, Kiều Lam thả bước cô đơn lên bờ, dạo trên đường vắng. Nhìn cảnh trăng đêm, tình cờ nghe bản nhạc La Paloma quen thuộc, rồi đắm hồn trong tiếng hát của Diễm Liên vang ra từ chiếc cassette nhỏ mang theo, nàng chạnh lòng hồi tưởng một (trong những ?) mối tình câm thời hoa mộng “mà sau này nàng mới hiểu được” (1). Quá khứ quyện vào hiện tại, kết tinh thành tiếng thở dài, như hạt sương trên cành thông, lung linh trong ánh trăng khuya.
Ngoài truyện Trăng Lạnh, người viết đặc biệt thích truyện Tạ Lỗi Với Người Thơ, là một chuyện rất buồn mà người viết có cảm tưởng đó là một chuyện thật. Nhân vật nữ có tên Thanh Điệp. Câu chuyện kể về mối tình của nhà thơ Hoàng Việt Sơn (cũng là Hoàng Vũ Bão và Phụng Hồng), một Bác Sĩ Quân Y. Quả là một mối tình si, một chiều. Chàng yêu Thanh Điệp mà không được nàng đáp lại. Đúng hơn là có đáp lại nhưng chỉ nửa vời, như mây trôi, như gió thoảng, như hải triều dâng, lúc hư lúc thực. Đã say đắm với tình, chàng làm thơ tặng nàng. Nàng nhận thơ, lòng rung động nhưng miệng vẫn chối từ, vẫn liệm kín những bài thơ tình đầy nước mắt của chàng:
Hiu hắt phương trời xa úa nhạt
Tương tư Thanh Điệp buồn trong mê (2)
Và chàng đã chết, mang theo khối u tình thiết tha không bao giờ được toại nguyện.
Khi đọc cuốn Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975, người viết nhận thấy chị Điệp Mỹ Linh xử dụng lối hành văn nghiêm chỉnh của một nhân chứng viết sử. Chị trình bày dữ kiện, kể lại những gì mắt thấy, tai nghe, và đọc được. Thế nhưng, trong tác phẩm Trăng Lạnh, tác giả sử dụng lối văn chương nhẹ nhàng, phân tích tâm lý, suy nghiệm tình đời, diễn tả cảnh sắc bên ngoài và chọn lọc những bản nhạc phù hợp với nội tâm, khiến người đọc xúc động và cảm thông với cảnh ngộ của nhân vật.
Một ngòi bút với hai văn phong khác nhau, đó là điểm đặc biệt của nhà văn Điệp Mỹ Linh.
- Câu văn trong Trăng Lạnh của ĐML.
- Trích từ Nửa Hồn Thương Đau của Hoàng Vũ Bảo.
Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...
Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh
- Đài Little Saigon
- Đài Saigon-Houston
- Ðài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Lê-Văn)
- Đài Tiếng Nói Hoa-Kỳ (Nguyễn-Vĩnh-Châu)
- Đài Tiếng Nói Việt Nam Tại Montreal
- Tạp Chí Giao-Chỉ
- Văn Liệu Văn Học Hải Ngoại
- Tâm Tình Người Lính Năm Xưa
- Hệ Thống Truyền Thống Việt Nam Hải Ngoại
Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu
- Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Phê Bình
- Lê Nhật Thăng
- Nguyễn Gia Bảo
- Phụng Hồng Giới Thiệu
- Phụng Hồng Phê Bình
- Phụng Hồng Viết Về Điệp Mỹ Linh
- Tạp Chí Giao Chỉ
- Trần Bình Nam
- Nguyễn Đình Sài
- Nguyễn Đình Tuyến
Tặng Phẩm Của Bạn Hữu
Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu
- Họa Sĩ Phạm-Thông và Di Tích Lịch Sử
- Mạn Đàm với Đặng-Thái-Sơn
- Nhạc Sĩ Trường-Sa và Những Dòng Sông Xưa
- Tài Danh Lưu Lạc Khánh-Ngọc
- Nhạc Sĩ Lê Dinh
Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu
- Hồi Ký Kháng Chiến “Hành Trình Người Ði Cứu Nước”
- “Tìm Nhau Từ Thuở” của Giáo Sư Xuân-Vinh
- “Tù Binh Và Hòa Bình” của Phan-Nhật-Nam
- Thi Phẩm “Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy”
- Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha Trang
- Nỗi Niềm Của Một Phụ Nữ
- Đêm Đại Dương
- Hội Ngộ Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Góp Ý Với Bill Hayton
- Trường Việt Ngữ Hùng Vương tại Houston
Truyện Ngắn Chưa In Thành Sách