Điệp Mỹ Linh  

Click here to edit subtitle

Tặng Phẩm Của Bạn Hữu

Thi Tập Nửa Đời Thương Đau

Thay Lời Tựa


Vào một đêm Xuân, năm 1999, tình cờ tôi đọc được những vần thơ của chính tôi, bút hiệu Hoàng Việt Sơn, sáng tác cách nay đúng 43 năm, xuất hiện trong Tùy Bút Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh, đăng trên bán nguyệt san Ngày Nay.


Đọc xong, tôi lặng người, cảm nhận được những xao xuyến rạc rào, những rung động bồi hồi, những ray rức triền miên cùng những nuối tiếc xót xa trong gần nửa thế kỷ qua, bỗng cuốn cuộn dâng cao trong lòng tôi. Cùng lúc đó, hình ảnh Nguyễn Bá Liên, người bạn thân từ ngày bé thơ cho đến khi Liên tử trận trong chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 24 Ben Hét, Vùng II Chiến Thuật và được truy thăng cấp bậc Cố Chuẩn Tướng, hiện về rất rõ nét!


Khi hình ảnh của Nguyễn Bá Liên hiện về thì mối tình cảm sôi nổi, nồng nàn và thánh thiện của một thanh niên mới lớn lại bừng lên ngùn ngụt, gợi lại trong tôi một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt của đêm Trung Thu năm 1956, tại căn cứ Sóng Thần, Tiểu Đoàn I Thủy Quân Lục Chiến mà Nguyễn Bá Liên là Tiểu Đoàn Phó.


Đêm Trung Thu năm 1956, trong phần văn nghệ ủy lạo binh sĩ, Liên mời được Ban Ca Nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang cùng nhóm học sinh trường Võ Tánh đến giúp vui. Trong khi thưởng thức phần văn nghệ, tôi đã bàng hoàng đến ngẩn ngơ và tim tôi đập những nhịp không đều khi thấy khuôn mặt xinh đẹp, thùy mị và nghiêm trang cùng tiếng đàn Accordéon dìu dặt và giọng hát ngọt ngào của một thiếu nữ có mái tóc dài và đôi mắt màu hạt dẻ, rất buồn.


Tôi chưa tìm được cơ hội làm quen với Nàng thì Nàng lẳng lặng theo thân phụ ra về!

Đêm đó, sau khi về nhà Liên, tôi không thể ngủ được; vì hình ảnh Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm cứ chờn vờn trong tâm tưởng tôi. Tôi thao thức, trằn trọc thâu đêm và bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu ra đời.


Hôm sau tôi phải rời Nha Trang để tiếp tục việc học tại Y Khoa đại học đường Saigon. Liên đã sao bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu làm ba bản và trao tận tay ba thiếu nữ có tên trong bài thơ.


Tôi mong chờ suốt thời gian dài vẫn không nhận được dòng hồi âm nào từ Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm. Dù đã nghe xướng ngôn viên giới thiệu tên Nàng là Thanh Điệp, tôi vẫn thích gọi Nàng là Cô Bé; vì lúc đó Nàng là thiếu nữ trẻ tuổi nhất trong ban Bình Minh cũng như trong nhóm học sinh giúp vui.


Sau này, mỗi khi nghe tôi hỏi về Cô Bé Tóc Dài, Liên thường bảo: “Người ta con nhà gia giáo, khó khăn lắm! Cậu ‘tấn công’ tới tấp, không được đâu!”

Bốn mươi ba năm sau, bằng những giòng văn óng ả, mượt mà, nhà văn Điệp Mỹ Linh đã làm sống lại trong tôi nhân dáng oai hùng của Nguyễn Bá Liên; và rồi hình ảnh ngây thơ, dịu dàng, thướt tha của Cô Bé Tóc Dài đàn phong cầm ngày xưa cũng trở về, khuấy động tâm tư tôi rất dữ dội! Đó là nỗi niềm u uẩn đã thúc đẩy tôi sáng tác những giòng thơ sướt mướt trong tập thơ Nửa Đời Thương Đau.


Đối với tôi, phụ nữ là tác phẩm diễm tuyệt nhất của Thương Đế. Rung động, say mê và ca ngợi là thiên tính của nghệ sĩ. Vì thế, tôi nghĩ, bất cứ trong hoàn cảnh nào, sáng tác những giòng nhạc, những bài thơ hoặc những mẫu chuyện chan chứa tình cảm về một phụ nữ tài hoa cũng không phải là điều nghịch lý.


Trước khi dừng bút, tôi xin mạn phép quý vị độc giả để tạ lỗi cùng quý bạn hữu của tôi; bởi vì, từ sau khi tôi vượt thoát ngục tù Cộng Sản rồi vượt biên đến Mỹ, tôi chỉ thích cuộc sống thầm lặng. Nhưng lúc nào các bạn cũng khuyến khích tôi, mong tôi tạo được ít nhất một tác phẩm xuất bản tại hải ngoại.


Năm 1988, tôi đã hoàn tất tập thơ Lênh Đênh và truyện dài Đêm Vượt Biên, mang tính cách tự truyện. Nhưng vì nhiều lý do bất khả kháng, tôi đành phụ lòng bạn hữu của tôi.

Bây giờ tôi xin trân trọng gửi đến quý độc giả cùng quý bạn hữu tập thơ Nửa Đời Thương Đau với tất cả lòng quý mến của tôi.


Trân trọng,


Hoàng Vũ Bão

Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh


Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh


Tặng Phẩm Của Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu


Bài Mới Chưa In Thành Sách