Điệp Mỹ Linh  

Click here to edit subtitle

Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh

Giáo Sư Nguyễn Tăng Chương Giới Thiệu Một Đoạn Đường

 

Một Đoạn Đường là tập truyện gồm 14 truyện ngắn, chia làm hai phần đối xứng. Phần trước gồm 7 truyện ngắn viết về những mẫu đời lưu vong của người Việt. Bảy truyện sau vẽ lại bức tranh buồn thảm của con người dưới chế độ Cộng Sản cũng như những hoài vọng của tác giả về cuộc đấu tranh hào hùng của những người phục quốc.


Một Đoạn Đường của Điệp-Mỹ-Linh là một tác phẩm được xây dựng bằng hiện thực, hiện thực đau thương của cả một dân tộc qua những mảnh đời đau khổ và tiêu biểu. Nó là hiện thực, nghĩa là những sự kiện, những câu chuyện xảy ra hằng ngày, rất bình thường đến độ nhiều người không còn để ý đến nữa. Nhưng từ những sự kiện bình thường đó, tác giả đã xây dựng thành những truyện ngắn hấp dẫn đến phút chót, đến dòng chữ cuối cùng bằng nghệ thuật bố cục chặt chẽ, bằng nhữngh hình tượng nhân vật sống động, bằng tất cả tình cảm chân thật mà tác giả hòa mình với nhân vật khiến cho độc giả đôi lúc cảm thấy nghẹn ngào, ngừng đọc, như đang chứng kiến một cảnh quá đau thương.


Một Đoạn Đường không phải chỉ là sự kết hợp của ký ức, suy tư, trí tưởng tượng mà còn là kết tinh của những tình cảm đã ray rức tác giả lâu ngày qua những sự việc mà tác giả đã chứng kiến cũng như những hoài vọng và ước mơ mà Bà đã nuôi dưỡng, kể từ những ngày đau buồn phải rời bỏ quê hương.

Tất cả 14 truyện đều xoay quanh hai vấn đề chủ yếu: Thân phận người Việt ly hương và còn sống tại quê nhà. Và người phụ nữ Việt-Nam trong bối cảnh xã hội hiện tại.


Mở đầu tập truyện, tác giả ghi lại một số diễn biến vào những ngày cuối tháng Tư 1975 qua truyện Mùa Bluebonnet. Mặc dù ngoài bìa ghi rõ là Tập Truyện nhưng Mùa Bluebonnet không phải là một truyện mà là một hồi ký. Trong đó tác giả ghi lại những diễn biến đến với bản thân, với gia đình và với những người chung quanh. Với giọng văn đơn giản, cố gắng khách quan nhưng những diễn biến đã được tô màu đen xám của mối sầu mất nước và qua những sự kiện, tác giả đã bộc lộ những uất hờn, buồn thương cùng những nỗi niềm đắng cay nhục nhã của bản thân và những người cùng hoàn cảnh. Mùa Bleubonnet là đoạn hồi ký đầy nước mắt và uất ức:

“...Tôi nhìn hai bên bờ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, nhiều ghe và tàu nhỏ trôi dật dờ. Quang cảnh trông ma quái khiến tôi cảm thấy như sự chết chóc đang rình mò đâu đây! Không bao lâu, chúng tôi đến Vũng-Tàu khi ánh nắng mai đang reo vui trên triền sóng.

Không ai buồn nghĩ đến công việc vệ sinh hằng ngày mỗi khi thức giấc. Có lẽ đã không ai ngủ được giấc nào, vì tất cả đã trải qua mọt đêm kinh hoàng!

Bất ngờ một tiếng thất thanh làm mọi người bàng hoàng:

-Tướng Minh đầu hàng rồi! Mở radio đi.

Mọi người chia ra từng nhóm quanh những người có radio. Tiếng tướng Minh lập đi lập lại lè nhè khiến tôi khó chịu. Giọng tướng Minh nói rất bình thản, không xúc động. Tại sao có thể như thế được? Ngày Đà-Nẵng thất thủ, chú Báu bị bắt, Việt-Cộng bắt chú Báu lên radio kêu gọi đầu hàng. Chú Báu đã nói, nhưng giọng Chú nghẹn lại như cố nuốt đi từng khối nưới mắt, từng khối căm hờn! Thế tại sao giọng tướng Minh không mang chút âm hưởng buồn, hoặc uất ức, hoặc sợ sệt? Tôi vẫn không tin những gì tôi đã nghe. Có vài giọng bực tức:

- Tắt mẹ nó mấy cái radio đi!

- Đập bể cái radio cho lão câm mồm lại đi...”

Và tác giả viết về nỗi nhục nhã ê chề:

“...Tôi thấy Quang ngồi ở một góc. Tôi đến gần và thấy Quang cầm trên tay cái nón lưỡi trai, bên trong là hai ‘ga-lông’ và hai cầu vai. Quang ngồi lặng yên, mắt đăm đăm nhìn vào lòng nón. Tôi không thấy ánh mắt Quang, nhưng tôi biết Quang đang nghĩ gì! Tôi đứng lặng cho tâm hồn chùng xuống như nỗi đau trong lòng của thế hệ hôm nay. Quang chợt quay lại, khi thấy tôi, Quang cố lấy lại sắc mặt bình thường rồi trao tôi cái nón lưỡi trai và nói ‘cất đi’. Giọng Quang mang chút gì bất ổn. Quang khuất nhanh ở cầu thang của chiến hạm HQ 502.

Tôi chưa hoàn hồn vì những xúc động vừa qua thì lại nghe từ đài chỉ huy: Tất cả sẵn sàng làm lễ hạ Quốc-Kỳ, treo cờ Mỹ lên. Không biết ai bắt đầu bản Quốc-Ca nhưng mọi người cùng ca. Ca thật lớn cho vơi nỗi nghẹn ngào. Nước mắt đầm đìa khóc cho nỗi nhục chung! Khi lá cờ được xếp lại, tôi liên tưởng đến hàng cờ thẳng tắp, phủ ngay ngắn trên những quan tài ở Nghĩa Trang Quân-Đội. Tôi cũng không quên được hình ảnh những thiếu phụ đã vật vã, khổ đau, úp mặt vào lá cờ như cố giữ lấy sự thiêng liêng khôn cùng!

Qua màn lệ mờ tôi thấy quân cảng Subic Bay sừng sững với nhiều chiến hạm và hàn không mẫu hạm của Hoa-Kỳ. Nhìn xa xa, những kình ngư của Đệ Thất Hạm Đội còn lãng vãng. Không xa lắm là đoàn tàu của một binh chủng vừa mất bến Mẹ!...”

Trong toàn tập truyện, với những đề tài hoàn toàn biệt lập, không một truyện nào mà tác giả không nhắc nhỡ người đọc đến nỗi đau buồn của cái hận mất nước. Ngay cả như trong các truyện mà chủ đề dường như không có một liên hệ gì đến các vấn đề quốc gia, dân tộc, vì đề tài hướng về chủ đề xoay quanh trục tình yêu, gia đình, hôn nhân và hạnh phúc, tác giả cũng vẫn cố gắng nhắc nhỡ người đọc đến nỗi buồn ly hương qua cách bố trí nhân vật và hoàn cảnh.


Trong truyện Cung Đàn Xưa, kể lại chuyện một người đàn bà yêu và không lấy được người tình và chính sự tái ngộ này là cơ hội biến cuộc hôn nhân cưỡng ép trở thành một cuộc tình chân thật. Thế nhưng tác giả đã không quên lồng cái bất hạnh của cá nhân vào trong cái bất hạnh của dân tộc:

“...Trong khi chọn áo, Lam vô tình thấy đôi giày da dính dầu nằm cạnh bộ đồng phục màu xanh của Tân. Một nỡi xót xa nào đó đến thật nhanh. Kiều-Lam bỗng thấy bồng bột thương chồng. Không hiểu đó là tình yêu hay lòng thương hại...”

Một Chiều Xuân kể lại chuyện một gia đình tan vỡ và nỗi bất hạnh của một người đàn bà, tác giả cũng không quên chen vào đó cái buồn của kẻ mất quê hương: “... Tám mùa xuân dài đằng đẳng vẫn vun vút qua mau, Ngọc chưa một lần thấy hoa mai nở, chưa một lần trịnh trọng đón người xông đất đầu năm. Tết đến rồi. Tết đến trong lòng những người xa xứ, chứ Tết chỉ là một vô nghĩa trên giải đất này...”


Tập Truyện Một Đoạn Đường đưa ra hai phần quan trọng của xã hội.


PHẦN THỨ NHẤT: Chủ yếu nói về những mâu thuẫn giữa bản chất con người Việt-Nam và cuộc sống nơi xứ người.

Cuộc sống ở đây tuy đầy đủ hạnh phúc nhưng thực ra đầy dẫy cay đắng tủi buồn. Những cay đắng tủi buồn đó là cái giá phải trả cho sự hội nhập vào một xã hội hoàn toàn mới lạ. Xin mời độc giả đọc đoạn văn sau đây để cùng tác giả cảm thông với nỗi chua xót đắng cay của người dânViệt khi hội nhập vào xã hội Mỹ:

“... Chiều hôm sau cả nhà quay quần bên TV. Khi thấy trên màn ảnh câu: ‘Hãng xe chúng tôi vừa mướn một thợ máy lành nghề từ Việt-Nam’, cả nhà cười lăn ra. Khi ông thợ máy Việt-Nam ra tay: ông cầm Wrench không đúng thế, vặn ốc không nổi, cả nhà lại ôm bụng cười vang. Hạnh không thể cười được mà Hạnh cũng không thể nín cười được. Hanh lén ra sân cỏ. Nỗi u buồn, niềm cay đắng, sự xót xa cứ mơ hồ, bàng bạc, giăng mắc trong tâm hồn nên Hạnh ngồi im mãi nơi sân cỏ. Bóng tối đến từ lúc nào Hạnh cũng không hay. Phi dựng xe đạp vào nhà xe và hỏi:

- Hạnh, em làm gì ngồi đó?

Hạnh không trả lời. Phi đến ngồi cạnh, cầm tay Hạnh:

- Sao buồn quá vậy? Nhớ nhà hả?

Hạnh lần tay mình vào tay Phi như tìm nguồn an ủi. Bỗng Hạnh nhìn sâu vào mắt Phi, giong thản thốt:

- Tay anh phồng hết. Coi nè, những mụn nước no tròn. Sao anh nói láo với họ làm chi cho khổ thân?

Phi ngồi bệt trên nền cỏ, cười cười:

- Em biết không, ở xứ này thợ làm nhiều tiền hơn thầy. Mình đã mất tất cả, mình phải gầy dựng lại cuộc đời cho tương lai các con. Thằng Bob (chủ hãng xe hơi) biết anh nói láo rồi, nhưng nó thích anh nên nó hứa cho anh học nghề có lương. Nó đã đưa anh đi ghi danh ở A.W.C. (Arizona Wester College), học về Mechanical Engneering. Nó lại cho anh mượn tiền mua dụng cụ thợ máy. Mỗi tháng mình trả góp cho nó $50.00. Mai anh và em đến A.W.C. thi nhập học...” (Truyện Một Đoạn Đường)

Nhưng buồn thảm nhất là cuộc sống của những vị cao niên. Họ cảm thấy như lạc vào một thế giới không có gì liên hệ với họ. Và dù đang sống trong gia đình nhưng họ vẫn cô đơn lạc loài. Bà Hưng trong truyện Nỗi Niềm là một trong hằng vạn người già đang sống trong “nỗi niềm” ấy nơi hải ngoại:

“... Vừa nghĩ bâng quơ bà Hưng vừa nhổ cỏ dại quanh các luống hoa. Bà Hưng thấy chiếc xe buýt màu vàng vừa ló dạng. Bà khấp khởi mừng thầm. Thằng cháu nội sắp về. Bà Hưng vào nhà rửa tay vừa lúc chuông cửa reng. Vừa chạy ra mở cửa Bà vừa nói:

- Chờ chút con. Nội mở liền hà.

Vừa thấy Bà, Phát nói:

-Hey, Nội! Có thơ con không?

- Có mấy cái thơ nhưng Nội không biết của ai, con à.

- Sao cái gì Nội cũng không biết hết vậy? Thằng Richie, con Jane, thằng Andy gọi con, nhắn gì Nội cũng không biết. Bà hàng xóm mất con mèo, đi tìm, hỏi Nội, Nội cũng không hiểu bà ấy nói gì. Coi TV., nghe nhạc Nội cũng không hiểu. Ông đưa thư nói Nội ký nhận thư bảo đảm Nội cũng không hiểu. Vậy mà cái gì Ba con cũng nói Nội già, Nội biết rành lắm!

Nói xong Phát ngồi bệt trên thảm cởi giày. Bà Hưng nhìn cháu nội trân trân. Bà thấy cháu nói đúng quá, biết sao giải thích bây giờ!

Thay đồ xong, Phát vặn nhạc thật lớn. Tiếng ‘Bass’ trong điệu ‘Rock’ vang dội muốn rung rinh cả tường nhà. Bà Hưng cố làm quen với tiếng động đó. Nhưng gần 70 năm sống êm đềm bên dòng sông Hậu, nay chỉ hơn một năm sống trong thế giới cơ khí này làm sao Bà quen cho được!

Chiều xuống. Mọi người lần lược về nhà. Nghĩa tắm xong, ôm mớ đồ dơ ra phòng giặt đồ. Lúc trở vào Nghĩa mở tủ lạnh lấy chai bia. Phát ló mặt ở cửa bếp, đưa ngón tay trỏ ngoắc ngoắc:

- Hey Ba! Come here.

Bà Hưng không hiểu Phát nói gì nhưng thấy Nghĩa đi về hướng Phát. Khi Nghĩa trở xuống bếp, bà Hưng hỏi:

- Phát cần con việc gì vậy, con?

Sau khi đưa chai bia lên miệng uống một hơi dài, Nghĩa nói:

- Nó cần con sửa cái chấu điện.

- Sao bộ nó kêu con giống như bên mình người ta kêu... chó vậy, con?

- Ôi, nhập gia tùy tục. Cái gì Mẹ cũng nhớ bên mình thì sống sao nổi!

Bà Hưng không đồng ý với Nghĩa nhưng không biết sao để cãi lại...” (Nỗi Niềm, trang 90-91)

Hình ảnh nghèo nàn, cơ cực của đời sống người dân Việt-Nam dưới chế độ Cộng-Sản nơi quê hương. Ở đó con người bị áp bức, sống trong cảnh nghèo đói, với những chịu đựng gian khổ.

“...Chiều xuống từ lâu. Hoàng hông đã về cho mây trời và cây cỏ hòa cùng một màu, Bà Phát lại nhìn ra đường, vẻ ngóng chờ, sốt ruột.

Bà Phát xỏ chân vào đôi dép, đứng lên. Lưng Bà hơi còng, mắt Bà ‘quáng gà’ khi trời chạng vạng. Bà lần mò theo vách lá xuống bếp. Bà lấy cái nồi đất nhỏ, mở khạp đựng gạo, tính nấu cho cu Tý chén cháo. Bà quơ qua quơ lại đáy khạp nhiều lần nhưng vẫn không đủ nắm gạo nấu cháo. Bà chợt nhớ tuần rồi cúng Trân, Bà và Thoa thỏa thuận cúng cơm chứ không cúng bằng bo bo. Vì vậy số gạo dự trử không còn. Suốt tuần qua cả nhà ăn bo bo, không có dịp mở khạp gạo nên Bà quên.

Bà Phát bước ra ngỏ, tay cầm cái lon sữa bò. Bà lần qua nhà bà Châu trong khi bà Châu đang bện lại chiếc chiếu rách. Thấy bà Phát sang, bà Châu vồn vã:

- Trời sắp tối rồi, mắt chị kém, chị đi đâu vậy, chị Phát?

- Nhà tôi hết gạo, qua chị mượn đỡ vài nắm về nấu miếng cháo cho thằng cu Tý. Chị giúp dùm tôi, chị Châu.

- Cu Tý đau hả chị? Cháu đau làm sao vậy chị?

- Nó đau mấy bữa nay rồi. Chắc nó bị sốt rét, sốt rét rừng đó mà.

- Kiếm vài viên ký-ninh cho cháu uống thì cháu hết bệnh liền hà, chị.

- Tiền đâu mà mua ký-ninh, chị?Tôi cho nó uống tiêu ban lộ, chờ má nó về hẳn hay.

- Cô Thoa đi bán chưa về sao, chị? Thường ngày cô ấy về sớm hơn mà...

Như được dịp tâm sự, bà Phát trút hết nỗi bi thương trong lòng:

- Nó đi thăm chồng nó. Từ đây ra Bắc xa xôi, tốn kém quá. Tôi muốn đi thăm con tôi một chuyến, nhưng không có tiền nên mấy năm rồi tôi chưa thấy mặt thằng con. Con Thoa tảo tần cũng chỉ đủ bà cháu dưa muối, bo bo qua ngày. Mỗi lần đi thăm chồng là mỗi lần con Thoa mang nợ mang nần. Nhưng nó phải đi thăm chứ không thì tội nghiệp thằng Toàn.

Ngưng một chốc, bà Phát thở ra, tiếp:

- Chị biết không, nhiều khi tôi nhớ thằng Toàn quay quắt, nhớ đoài, nhớ đoạn đó chị. Khi không họ vào đây, lấy hết nhà cửa, ruộng vườn của mình, đuổi mình về rừng thiên nước độc rồi bắt con mình bỏ tù! Không biết Trời Đất có xa không mà họ ngang ngược quá, sao Trời để như vậy?

- Chị có hy vọng cậu Toàn được về dịp lễ này không?

- Không biết, chị ơi! Từ ngày cách mạng gọi con tôi ra trình diện, biểu đem theo 10 ngày ăn rồi nhốt luôn thằng con tới giờ, tôi không tin ai nữa hết, chị ơi!...” (Giọt Nước Cốt Trầu, trang 163-164)

Quê hương triền miên đau khổ, nhưng ở đó có những anh hùng đáng kính, đáng phục. Từ những em bé mới lớn đến những người vợ hiền mẫu mực, tần tảo cần cù thăm nuôi chồng trong trại cải tạo, đến sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa vượt thoát từ các trại cải tạo để tiếp tục cầm súng chiến đấu, phục quốc... Những hình tượng nhân vật sống động, tuyệt vời.


PHẦN THỨ HAI: Người phụ nữ Việt-Nam trong bối cảnh lịch sử hiện tại.

Một Đoạn Đường còn là tiếng nói đấu tranh của nữ giới, tiếng nói đấu tranh cho người phụ nữ Việt-Nam đảm đang trung hậu nhưng là nạn nhân của những cảnh bất công, phũ phàng. Những nhân vật chính trong Một Đoạn Đường đều là những người đạo đức, hiền thục, đầy đủ những đức tính về công-dung-ngôn-hạnh, nhưng phần nhiều là nạn nhân của nam giới.

Một Hằng, trong Lối Thoát Cuối Cùng, đã gặp phải người chồng chơi bời trác táng, say sưa nhậu nhẹt, để rồi, cuồi cùng, không thể chịu đựng được nữa, đành phải tìm cái chết để rủ sạch nợ đời. Một Thục, trong Nỗi Niềm, ngoài việc đi làm kiếm tiền như chồng để trang trải những chi dụng trong gia đình, lại còn phải làm tất cả những công việc nội trợ, kể cả hầu mẹ chồng và hầu chồng, nhưng Thục cam phận gánh chịu. Quỳnh-Lam, trong Cung Đàn Xưa, vâng lời cha mẹ, thành hôn với một người nàng không yêu nhưng vẫn chu toàn bổn phận của người vợ. Ngọc, trong Một Chiều Xuân, bị gia đình chồng đối xử không ra gì, chồng lại phản bội, để lại cho nàng gánh nặng nuôi dưỡng đàn con và nàng đã chu toàn nhiệm vụ của người mẹ. Và Tuyền, trong Trên Con Đường Cũ, phải tần tảo bán buôn kiếm tiền đi thăm nuôi chồng đang bị tù đày trong trại cải tạo. Tuyền hết lòng tin tưởng vào mối tình chung thủy của chồng, nhưng cuối cùng khám phá ra chàng có vợ bé từ lâu!...

Tất cả 14 truyện đều được lồng trong bối cảnh gia đình. Những mẫu chuyện đều xoay quanh trục chính của những tương quan trong gia đình, giữa cha mẹ con cái, giữa vợ chồng, giữa nàng dâu mẹ chồng, giữa ông bà và con cháu. Trong những tương quan đó, tác giả lên án gắt gao hành động thiếu trách nhiệm của những người đàn ông trụy lạc, phản bội, ham mê rượu chè, cờ bạc. Hầu hết những nhân vật chính trong truyện là phụ nữ, rất đẹp, như Tuyền, trong Trên Con Đường Cũ, với đầy đủ đức tính của một người vợ lý tưởng. Nàng đã yêu, lấy người mình yêu và đến khi chồng hoạn nạn thì nàng can đảm hy sinh:

“... Ban ngày Tuyền theo con quảy gánh ra chợ, lòng nơm nớp lo sợ công an bắt, tịch thu hàng hóa. Đêm về hai mẹ con chui vào một cái chái trống trước hở sau. Đêm nào cũng bị công an đi lùng đánh thức. Cuộc sống vật chất quá khổ sở và tinh thần luôn căn thẳng nên Tuyền vướng căn bệnh bao tử. Tuyền dấu chồng, dấu con vì Tuyền không muốn bận lòng ai...”

Vai Thục can đảm cần cù trong những nhiệm vụ gánh vác gia đình:

“... Như mọi ngày, Thục về đến nhà, đi vào cửa sau. Khi đi ngang qua bếp, Thục thấy chén bát, soon chảo dơ còn bày ở bồn rửa chén. Bếp lạnh, cơm chưa nấu. Thục không ngạc nhiên vì đây không phải lần đầu tiên cái bếp ‘chờ’ nàng về dọn dẹp. Ở đây phần đông ai cũng rửa chén bằng máy. Gia đình nàng đông người, nhiều chén dĩa, máy chạy một lần không hết. Thục hà tiện điện nên nàng rửa chén bằng tay. Gia đình xem như nàng tự chuốc lấy cực nhọc cho nàng nên không ai muốn giúp Thục.

Thục đi về phòng, tính thay đồ xong xuống bếp dọn dẹp, nấu cơm tối. Khi ngang phòng khách Thục thấy Nghĩa, bà Hưng và các con đang xem TV. Nghĩa đưa tay ngoắc Thục:

- Lại đây. Phim hay lắm, ngồi xem với anh.

Thục nhìn đồng hồ treo tường. 8 giờ c15. Thục nói:

- Trễ rồi, em phải nấu ăn. Có lẽ đến hơn 9 giờ mình mới ăn tối được.

Nghĩa lườm Thục:

- Vợ chồng gì thấy tức cười quá! Với ai em cũng vui vẻ, tươi cười; riêng anh nụ cười em cũng không cho. Suốt ngày cày như trâu, về nhà mong ngồi cạnh vợ con thì vợ lộ vẻ lạnh lùng. Chỉ có xứ này mới vậy thôi.

Đang giận vì cái bếp không ai dọn, bỗng dưng lại bị trách cứ nặng nề, Thục hằn học từng chữ:

- Anh nói đúng! Chỉ có xứ này đàn bà mới bị chia năm xẻ bảy. Phần lo nội trợ như người giúp việc; phần sân vườn dọn dẹp, con cái, như vú em; phần quần quật ở hãng xưởng như cu ly; phần thủ quỹ gia đình như một kế toán viên.

- Kể công đó à? Làm mẹ, làm vợ mà kể lể.

- Em không kể lể. Sự việc rất đơn giản. Nếu mỗi chiều anh muốn em ngồi sum vầy với gia đình, tại sao anh không bảo các con dọn dẹp nhà bếp, nấu cơm trước khi em về?

Vẫn một lập luận muôn thuở, Nghĩa nói:

- Các con biết gì mà bắt chúng nó làm, em.

- Con 19, 20 tuổi mà anh làm như 7, 8 tuổi không bằng. Anh cưng chúng nó quá làm sao chúng nó nên người?

- Các con đi học suốt ngày, chúng nó mệt, nên để chúng nó nghỉ.

Thục nói lẫy:

- Phải rồi! Ai cũng biết mệt, chỉ có em là Bionic Woman!”


Bên cạnh những hình tượng nhân vật phụ nữ đẹp đẽ, hầu hết - không phải là tất cả - những hình tượng nam giới thì ngược lại, thật xấu xa, chẳng hạn vai Tùng trong Lối Thoát Cuối Cùng là một nhân vật hãn hữu, thật là bệ rạc, chỉ biết chơi bời, nhậu nhẹt.

“... Tiếng các bạn của Tùng oang oang trên bàn ăn khiến Lan khó chịu. Lan lấy xâu chìa khóa, tính ‘chuồn’ cửa sau cho khuất mắt, nhưng Tùng đã đến ngang cửa bếp, hỏi:

- Lan! Con tính đi đâu vậy? Ở nhà giúp Ba một chút mà. Ba đã ngại không muốn phiền con, nên Ba mua thức ăn nấu sẵn, con chỉ cho vào microwave hâm nóng là xong. Con nhăn Ba chi vậy?

Lan chùn bước. Lan thấy tội Ba, nhưng những lời nhừa nhựa của mấy người trên bàn ăn khiến Lan chỉ mong có cánh cửa ngang bếp để khỏi phải nghe.

Một giọng nói:

- Dô! Dô đi! Trăm phần trăm nè.

Vài giọng nhao nhao:

- Thôi, làm quá vậy, cha nội! Năm mươi phần trăm thôi.

Tiếng người lúc nãy lại lè nhè:

- Sợ gì cha! Đời tụi mình đâu còn gì nữa mà ‘care’. Cùi đâu sợ lỡ. Nhà cửa, sự nghiệp, đất nước tiêu tùng hết rồi. Bây giờ mỗi thằng còn một mụ vợ, không biết đứa nào mất trước, đứa nào mất sau! Đời đã vậy không nhậu cũng uổng.

Tùng bước lên phụ họa:

- Tao đồng ý với mày đó. Sang đây mấy bà lên nước lắm, bỏ chồng như chơi. Hồi trước tụi mình còn ngon lành sao mấy bà không bỏ? Đ.m. đời mà, dô, dô đi!

Lan hâm nóng hai dĩa thịt quay, bưng lên, mặt hầm hầm. Đặt xong hai dĩa thịt lên bàn, Lan quay xuống bếp vừa lúc một giọng cay cú khác vang lên:

- Hồi đó tao biết, tao dẫn cha nó con đào của tao đi là yên chuyện.

Tuy mới lớn, lại lớn lên trong xã hội bình đẳng Tây-phương, Lan không hiểu người đàn bà nào có thể thương yêu, chịu đựng được một ông chồng say. Lan nhớ đôi khi Mẹ cằn nhằn một mình: ‘Lúc ở Việt-Nam, ông nói chiến tranh liên miên, cuộc đời ngắn ngủi, uống cho quên đời. Sang đây lại nói buồn cho thân phận, cho quê hương nên uống cho giải sầu! Đã biết cái nhục mất nước, cái buồn lưu vong sao không làm một chút gì cho quê hương? Bộ tụm năm, tụm ba, chè chén say sưa, nói tục, nói phét rồi Việt-Cộng nó trả lại quê hương cho đó!’Lan hiểu ý Mẹ. Nhưng Lan không hiểu phải làm thế nào để hóa giải hai quan niệm sống của Ba và Mẹ. Nếu thỉnh thoảng Ba say một lần còn khả thứ, đằng này hằng tuần. Ba không say tại nhà thì tối có người chở cái xác mềm như bún của Ba về, hơi thở chua nồng.

Câu nói cay cú của một bác nào đó bị một bác khác mỉa mai:

- Thôi, đừng nói ngon, cha nội, Cha dẫn đào đi, nó đâu thèm nuôi con của cha.

Mọi người cười ồ lên như tán thành câu ấy. Một giọng khác, có vẻ tỉnh táo:

- Nè, nói vậy chứ bà nào rồi cũng vậy thôi. Mấy con đào, lúc nó chưa nắm cổ được mấy cha, nó chiều chuộng mấy cha. Khi nó lấy mấy cha rồi nó cũng cho mấy cha ngủ ở sofa dài dài. Chỉ có thằng Tùng vậy mà sướng...

Tùng đưa ly lên cụng:

- Cụng cái đi. Mày nói chí lý! Trong đám này không có đứa nào thảnh thơi như tao. Muốn đi đâu thì đi. Muốn nhậu là nhậu. Muốn làm gì cứ làm, không có mụ nào bắt chẹt tao cả.

Lan chợt nghe như tim mình đánh thót một cái. Rõ ràng giọng Ba rất vui vẻ, hả hê. Lan cố nghĩ rằng Ba nói vậy vì Ba ‘đã’. rồi. Nhưng Lan chợt nhớ nàng đã nghe hoặc đọc đâu đó câu: ‘Những lúc say chình là những lúc con người bộc lộ rõ cái bản ngã của mình.’ ”


Và khi các câu chuyện đề cập đến những tương quan vợ chồng thì ta sẽ có cảm giác tác giả đóng vai biện lý của tòa án xã hội kết án những người đàn ông thiếu bổn phận. Và nhiều đoạn văn là những bản cáo trạng mà Điệp-Mỹ-Linh trình bày trước công luận.

Tuy nhiên, công kích, buộc tội, không có nghĩa là đả phá, hủy hoại. Điệp-Mỹ-Linh rất chân thành, chỉ trình bày những sự kiện đau lòng, mong người tìm hiểu để thương cho cảnh ngộ nạn nhân và kêu gọi sự giác ngộ của những người thiếu trách nhiệm. Và tôi nghĩ, đó là mục đích của tác giả. Đọc toàn bộ tập truyện, ta thấy tác giả rất tha thiết với gia đình và tha thiết với truyền thống gia đình Việt-Nam; mặc dù nơi đây, những thành kiến bất công của nam giới đã làm cho nhiều người đàn bà khốn khổ.


Nói tóm lại, Môt Đoạn Đường là một tác phẩm có chiều sâu tư tưởng. Vì nó là hình ảnh của cuộc đời, của nhiều tan vỡ đáng thương, những mất mát của từng cá nhân, từng gia đình trong cái mất mát chung to lớn của dân tộc. Và Điệp-Mỹ-Linh là cây bút của nữ giới, bà nhìn cuộc đời qua lăng kính của phái nữ, nhưng điều đó không có nghĩa là thiếu khách quan, là thiên vị; nhưng đó chính là một cái gì mới mẻ, những khám phá về cuộc đời, về con người từ trong những sự việc dung dị nhất của cuộc sống. Bà đã nhìn thấy những thảm kịch của cuộc sống trong những sự việc hằng ngày mà nhiều người chỉ thấy nó là tự nhiên, bình thường. Chính vì lẽ đó mà những câu chuyện rất bình thường đã trở nên hấp dẫn, làm người đọc say mê từ câu đầu đến chữ cuối cùng.


Đọc Một Đoạn Đường, người đọc còn như vừa sực tỉnh, thấy mình vừa đọc xong một đoạn sử Việt, vì lịch sử không phải chỉ là những trận đánh nhau, những thay đổi chế độ, mà còn là sự thay đổi của xã hội, của con người, của cuộc sống trong dân chúng.*


* Nguyệt san Sóng, Montreal và Ngày Nay Houston.

Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
   Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh

 

Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh


Tặng Phẩm Của Bạn Hữu

 

Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu

 

Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu

 

Truyện Ngắn Chưa In Thành Sách