Điệp Mỹ Linh  

Click here to edit subtitle

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh

Đài Phát Thanh Saigon Dallas 1600 AM
Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh

Như Tuyền thực hiện

  

Như Tuyền - Thưa cô, hôm nọ không đủ thì giờ, nên Như Tuyền chưa hỏi cô thêm về những bài tường thuật mà cô đã ghi chép khi tháp tùng hành quân với phu quân của cô. Cô có thể cho biết, những cuộc hành quân của Hải Quân xảy ra như thế nào? Tàu có phải cặp bến để đánh nhau, hay bắn từ trên biển? Và trong khi đó địch quân cộng sản nằm ở trên biển hay ven bờ? Đây là những điều mà thế hệ tụi cháu rất muốn tìm hiểu?


ĐML - Trước hết, ĐML xin trân trọng kính chào quý thính giả của đài Radio Saigon Dallas 1600; kế đến, ĐML xin giới thiệu một cách rất sơ lượt về các đại đơn vị tác chiến của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Hải Quân VNCH – về hành quân – gồm có 2 lực lượng riêng biệt. Đó là Hành Quân Lưu Động Biển và Hành Quân Lưu Động Sông.

Hành Quân Lưu Động Biển gồm có các đại đơn vị tác chiến sau đây:

-Hạm Đội, chịu trách nhiệm các vùng Duyên Hải từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau để chỉ huy tất cả chiến hạm chạy trên biển và trên sông;

-Duyên Đoàn là các đơn vị tác chiến đóng dọc theo bờ biển từ tĩ tuyến 17 đến Cà Mau.

Người Nhái: hoạt động cả trên biển và sông;

Biệt Hải: hoạt động âm thầm và thường xâm nhập miền Bắc bằng đường biển.

Hành Quân Lưu Động Sông gồm các lực lượng sau đây:

Liên Đoàn Tuần Giang: chịu trách nhiệm chuyên chở nhu yếu phẩm – lúa/gạo tại miền Tây Nam Việt – về cung cấp cho Saigon.

Lực Lượng Thủy Bộ, Lực Lượng Tuần Thám, Lực Lượng Trung Ương, Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 và Giang Đoàn Xung Phong, Giang Đoàn Ngăn Chận chịu trách nhiệm an ninh các vùng sông ngòi.

Các Lực Lượng Thủy Bộ/Tuần Thám/Ngăn Chận/Trung Ưng được trang bị khinh tốc đỉnh – PBR River Patrol Boat.

Giang Đoàn Xung Phong là các đơn vị tác chiến trên sông rạch, chịu trách nhiệm an ninh trong sông, thuộc vùng III và vùng IV Sông Ngòi.

Giang Đoàn được trang bị hỏa lực rất mạnh, gồm có đại bác 20 ly/2 đại bác 40 ly/2 súng cối 81 ly/nhiều đại liên 12 ly 7/nhiều trung liên 7 ly 62. Ngoài ra trên mỗi chiến đỉnh đều có vũ khí cá nhân như M79/M16/57 trực xạ.

Mỗi Giang Đoàn Xung Phong được trang bị 1 Commandement (Soái đỉnh), 1 Combat, 6 LCVP, 3 LCM, 6 Fom.

Nhiệm vụ của Giang Đoàn là chuyển quân/vũ khí/quân trang/quân dụng cho các đơn vị Bộ Binh; yểm trợ/tiếp cứu tất cả đồn bót dọc các bờ sông mỗi khi đồn bị Việt cộng (Vc) – tay sai của cộng sản Việt Nam (csVN) – tấn công.

Tôi thường tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp của các Giang Đoàn – do Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh chỉ huy – hành quân dài hạn tại U Minh Thượng/U Minh Hạ thuộc vùng IV Sông Ngòi.

Tôi có thể khẳn định rằng Vc rất khiếp sợ khi phải đụng độ trực tiếp với các Giang Đoàn của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH); vì thế, Vc thường thả thủy lôi trong lòng sông để làm chìm chiến đỉnh của Hải Quân VNCH; hoặc Vc lén phục kích ở những khúc cua ngặt của dòng sông, chờ khi đoàn giang đỉnh giang hành qua thì Vc “nả” B40-B41 vào đoàn giang đỉnh.

Vc thường tấn công đồn vào ban đêm với chiến thuật “tiền pháo hậu xung”; nghĩa là Vc pháo kích rất nặng nề vào mục tiêu trước khi Vc tấn công mục tiêu đó.

Mỗi sĩ quan có kỹ thuật tác chiến riêng. Tôi không biết các đơn vị trưởng của các giang đoàn khác chỉ huy như thế nào. Riêng ông Minh, khi nào đoàn chiến đỉnh giang hành, ông Minh cũng ra lệnh đoàn tàu chạy sát bờ để tránh thủy lôi của Vc. Nhìn vào bản đồ hành quân, ông Minh có thể tiên liệu được các khúc quanh ngặc dọc theo bờ sông mà đoàn chiến đỉnh đang di chuyển và ông Minh cho lệnh tất cả nhân viên sẵn sàng.

Khi nào bị Vc pháo kích, ông Minh cũng đích thân ra lệnh – qua ống liên hợp – cho đoàn giang đỉnh ủi ngay vào nơi phát xuất tiếng súng của Vc rồi tất cả hỏa lực của giang đoàn được xử dụng tối đa. Vì thế, khi nào Vc thấy đoàn chiến đỉnh ủi ngay vào vị trí của Vc thì Vc “chém vè”.

Nhưng đôi khi Vc không thể/không kịp “chém vè”; vì tình báo của Vc không thể biết được đoàn chiến đỉnh đang ở gần đơn vị mà Vc đang tấn công.

Sự tiếp cứu của Hải Quân đến quá nhanh, ủi ngay trước đồn, nhưng Vc. không thể “chém vè”; vì Vc bị kẹt giữa những vòng kẽm gai phòng thủ quanh đồn. Khi nào tình huống này xảy ra, Vc cũng thường gọi viện binh đến tiếp cứu. Và trận chiến kéo dài đến khi mặt trời ló dạng.

Nếu vị trí của đơn vị bị Vc tấn công nằm cạnh khu vực dân cư thì hỏa lực của các chiến đỉnh bị giới hạn rất nhiều; vì ông Minh ngại đạn lạc vào làng, trúng dân. Trong những trường hợp như thế, ông Minh phải yêu cầu cố vấn xin phi cơ yểm trợ.

Lần nào cũng vậy, khi phi cơ đến, quân nhân trong đồn đã ẩn mình trong các hầm chống pháo kích; chỉ còn lại những thân người gầy gò, trong bộ bà ba đen, cố tìm mọi phương cách để thoát thân.

Trong cảnh lửa đạn mờ mịt, súng nổ vang rền, từ trên chiếc Command, tôi thấy nhiều thân người mặc quần áo đen gục xuống hoặc nhào đại xuống sông, trúng đạn từ chiến đỉnh; còn trên bầu trời thì phi cơ vút lên/nhào xuống, oanh tạc phía sau đồn để chận đường rút lui của Vc, tôi tưởng như tôi đang xem xi-nê!

Ít nhất là 2 lần, tại đồn thứ 9, trên kinh Trèm Trèm, còn gọi là Kinh Thứ, chiến trận đang xảy ra y như tôi vừa diễn tả mà tôi cứ “tỉnh bơ”, ngồi xem. Bất ngờ thiếu tá Cuội – Quận Trưởng Quận Kiên Giang – lấy cái nón sắt của ai đó, chụp lên đầu tôi, xô tôi xuống rồi hét: “Nằm xuống, nó bắn ra tàu!”


Như Tuyền - Xin phép cô cho N.T. đọc một đoạn trích từ bài nhận định của bình luận gia Trần Bình Nam về cuốn lịch sử Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp Mỹ Linh. Đoạn ấy như thế này: “…Những cuộc rút quân bằng đường bộ đã được nhiều người viết lại. Nhưng những cuộc rút quân bằng đường thủy thì chỉ có cuốn tài liệu Hải Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp Mỹ Linh mới ghi lại đầy đủ, trung thực và tỉ mỉ. Điệp Mỹ Linh đã chịu khó tra cứu, tìm hiểu và phỏng vấn hầu hết quý vị thẫm quyền trong Bộ Tư Lệnh Hải Quân/các vị Hạm Trưởng/hầu hết chỉ huy trưởng của các đại đơn vị và chỉ huy trưởng của các đơn vị tác chiến Hải Quân. Cuốn tài liệu được chia ra từng chương rõ ràng, mạch lạc, ghi từng ngày, giờ khi sự kiện xảy ra. Mỗi chương và mỗi bài đều có huy hiệu hoặc ảnh của chiến hạm đã tham dự...” (Hết trích)

Trong những lúc Hải Quân hành quân, và đụng độ với Việt cộng, chắc chắn phải xảy ra khủng khiếp lắm trong khi đó cô ở góc cạnh nào để có thể viết các diễn tiến đó? Lúc đó cô có cảm giác như thế nào? cô có sợ không? khi cô viết tường thuật, phu quân của cô có biết không? Và cô viết xong cô gởi tới đâu?


ĐML - Tôi được Trời ban cho bản tính thẳng thắn/bộc trực/có sao nói vậy/thấy gì nói nấy. Vì tính tôi “thẳng như ruột ngựa” cho nên ngòi bút của tôi chỉ tường thuật những gì tôi thấy chứ tôi không tự đặt tôi vào vị thế/góc độ nào cả. Khi đơn vị đụng trận tôi sợ chứ. Nhưng vì muốn thấy bằng mắt thật và ghi vào đầu càng nhiều chi tiết càng tốt, cho nên, tôi phải quan sát. Nhưng, đôi khi chiến trận diễn ra hào hùng quá khiến tôi quên mất sự sống chết cận kề trong hiện tại, rồi có ảo tưởng như đang xem xi-nê!

Vì ông Minh không thích tôi đàn/hát/viết cho nên tôi viết lén. Tôi đàn ông ấy có thể nghe được; còn viết thì ông ấy không thể biết. Đó là lý do ngày đó tôi lấy bút hiệu khác nhau, như Nguyễn Thị Kiều Lam, Thủy Điện.

Chỉ một lần tôi lấy tên thật Thanh Điệp. Đó là năm 1972, em ruột của ông Minh – thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Quang Trung – tử trận tại Bình Long. Chú ấy rất hiền. Tôi thương chú như thương em ruột của tôi, cho nên, bài tôi viết về chú, tôi dùng tên thật, đăng trên Tin Sáng hoặc Tia Sáng, tôi không nhớ rõ. Vì tôi dùng tên thật cho nên ông Minh biết và ông Minh “cự” tôi ngay đám tang của chú Trung!

Khi nào viết xong, tôi cho vào phong bì, dán tem, viết địa chỉ của tờ báo nào tôi đem theo để đọc. Chờ khi đoàn giang đỉnh đến quận hoặc mấy anh lính đi chợ, tôi nhờ họ gửi giùm.


Như Tuyền - Bây giờ xin cô cho N.T. được chuyển từ việc chiến tranh trong tác phẩm của cô qua thể chất có thể trữ tình một chút của một người vợ lính, trong thời lửa đạn. Trong các tác phẩm của cô, cuốn nào cô phải viết lâu nhất, vất vả nhất? Và tại sao? Có phải cuốn đầu tay hay không? Và lần trước N.T. chưa hỏi cô là do một nghiệp dĩ nào mà cô cầm bút? Và, trong những tập truyện nhớ về chốn xưa, cô nhớ và viết về nơi nào nhiều hơn? Đà Lạt hay Nha Trang? và được biết phu quân của cô là người Huế, cô có ở Huế không? Và cô có viết về Huế trong tác phẩm của cô không?


ĐML - Trong tất cả tác phẩm của tôi, phải nói rằng cuốn tài liệu lịch sử HQ/VNCH Ra Khơi, 1975 là cuốn sách tôi tốn nhiều công sức, tài chánh và thời gian nhất.

Để trả lời một cách chính xác cho câu hỏi của cô, tôi xin được trích một đoạn trong tùy bút Kỷ Niệm Với Chữ Nghĩa. Đoạn đó như thế này: “…Ngày đại hội cựu Quân Nhân tại Houston, tôi được mời phát biểu cảm tưởng. Dịp này tôi được gặp lại cựu Trung Tướng Vĩnh Lộc – nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của chính thể V.N.C.H.. Trung Tướng Vĩnh Lộc bảo:

-Madame viết nhiều về lính/về sông nước/biển khơi và madame lại có mặt trong cuộc triệt thoái của Hạm Đội Hải Quân V.N.C.H., tôi đề nghị madame nên ghi lại cuộc di tản bằng đường thủy của Hải Quân.

-Dạ, cảm ơn Trung Tướng, nhưng viết về cuộc di tản của Hải Quân là một đề tài quá lớn, em ngại em sẽ không kham nổi!

Tướng Vĩnh Lộc lặng yên. Nhưng sau đó, mỗi khi gặp tôi trong các buổi sinh hoạt với Hội Cựu Quân Nhân tại Houston, Tướng Vĩnh Lộc lại hỏi:

-Madame khởi sự viết về cuộc di tản của Hải Quân chưa?

-Dạ, em nghĩ, chuyện của mấy ông Hải Quân, để cho mấy ông Hải Quân lo; em là đàn bà, khó khăn lắm, thưa Trung Tướng.

Ông lại im lặng.

Hôm đến nhà tôi dự tiệc, sau khi tiệc tàn, quan khách ra về, Tướng Vĩnh Lộc ở lại sau cùng để kể cho ông Minh và tôi nghe về trận chiến hào hùng/đẩm máu của quân nhân V.N.C.H. trú đóng tại đồn Pleime, khi Tướng Vĩnh Lộc là Tư lệnh Quân đoàn II Vùng II chiến thuật.

Khi nghe Tướng Vĩnh Lộc kể về đồn Pleime, tôi bị xúc động mạnh! Tôi không hiểu được sự xúc động trong tôi đến từ hành động phi thường của quân nhân V.N.C.H. trong đồn Pleime hay là do những biến chuyển tình cảm thể hiện trên khuôn mặt cằn cỗi và ánh mắt xa xăm của – vị Tướng không còn uy quyền – Tướng Vĩnh Lộc!

Ngay tối hôm đó, tôi khởi viết và tối hôm sau hoàn tất truyện ngắn Người Trở Lại Pleime!

Vài hôm sau, dù ông Minh không đồng ý, tôi cũng vẫn liên lạc và thưa với Tướng Vĩnh Lộc rằng tôi sẽ viết về chuyến ra khơi cuối cùng của Hải Quân V.N.C.H. (Hết trích).

Lý do tôi cầm bút là vì ông Minh không thích tôi đàn và hát. Tâm tình của tôi về hai chốn thân thương của tôi – Dalat và Nha Trang – tôi đã viết trong Tưởng Như Trở Về và Tìm Vết Chân Xưa. Tôi là Huế “lai”. Má tôi người Huế. Viết về Huế thì tôi có truyện ngắn Ngoài Nớ Quê Ngoại và gần đây nhất là tùy bút Huế ‘của Ngoại’. Tôi chỉ về thăm Huế chứ không sống ở Huế.


Như Tuyền - Lại xin phép cô cho N.T. đọc một phần trích về Tuổi Thơ của cô viết rất dễ thương: " Hồ Xuân Hương tĩnh lặng. Nhưng từ tâm trạng bất an của lòng mình, Bảo-Trân nghĩ rằng sự tĩnh lặng đó chỉ để che giấu những đột biến âm thầm. Bất chợt Bảo-Trân quay lui, ngẫng nhìn lên ngọn đồi sau chợ Hòa-Bình, như có ý tìm lại vết tích ngôi nhà xưa của Ngoại. Nhìn ngôi biệt thự có hai hàng hồng dọc theo con dốc nhỏ, Bảo-Trân tưởng như có thể thấy được đứa bé gái mặc áo đầm trắng, mang giày đỏ, chiếc nơ cài trên mái tóc bum-bê cũng màu đỏ, đang níu tay Ngoại, đòi đi mua kẹo kéo …” Hết trích.

Thưa cô, lần trước NT chưa hỏi kỹ về nhac cụ mà cô đã được thân phụ chỉ dạy, đó là đàn Accordéon. Thưa cô, nhạc cụ này tập dợt có khó hơn đàn Piano hay không? Lúc đầu cô học Mandoline, tại sao cô lại chuyển sang Accordéon? Hai loại đàn này N.T. cũng thấy có vẻ ít người dùng hiện thời phải không thưa cô?

Nhìn hình thì có vẻ nặng lắm. Cô đã tập bao nhiêu lâu tới khi chơi được lưu loát. Cô có thể kể vài kỷ niệm khi cô đứng trước đám đông, hay trên sân khấu với cây đàn. Và những bản nhạc mà cô ưa thích là bản gì? Và cũng trong câu hỏi về đàn, thì với một nghệ thuật mà cô yêu mến, nhưng cô đã ngừng hẳn, có khi nào cô nghĩ cô sẽ trở lại với cây đàn Accordéon không?


ĐML - Ba tôi dạy tôi học Mandoline khi tôi còn học tiểu học tại trường Domaine de Marie, Dalat.

Lý do tôi thích Accordéon là vì hồi đó xem xi-nê phim ca nhạc, tôi không nhớ tựa phim, thấy Dean Martin đàn Accordéon hay quá, tôi “đòi” Ba Má tôi cho tôi học đàn Accordéon. Nhưng, vào thời đó ít người Việt chơi hoặc dạy Accordéon; do đó Ba tôi phải đặt mua cây đàn Accordéon từ Ý Đại Lợi – Ba tôi giải thích: Nước Ý là nơi sản xuất đàn Accordéon đúng tiêu chuẩn và đẹp nhất – và đặt mua cuốn sách dạy Accordéon từ Pháp; vì Ba tôi chỉ thông thạo tiếng Tây chứ không biết tiếng Anh.

Thời gian học Accordéon tùy theo khả năng và thời gian thực tập. Nếu người có năng khiếu về âm nhạc và thực tập thường xuyên thì học nhanh hơn. Theo tôi, học đàn Accordéon khó hơn học Piano. Lý do là: Accordéon nặng, phải mang lên người; trong khi đàn, tay trái vừa đệm Bass vừa kéo ra/đẩy vào.

Tôi vẫn nhớ, ngày xưa, mỗi khi trường Võ Tánh hoặc ban ca nhạc Bình Minh tổ chức văn nghệ tại các rạp xi-nê để gây quỹ cứu trợ nạn nhân chiến tranh hoặc nạn nhân thiên tai, tôi chỉ độc tấu Accordéon nhạc ngoại quốc. Nhạc Việt Nam tôi chỉ hòa đàn cùng với quý vị trong ban Bình Minh khi các ca sĩ tài tử của ban Bình Minh hát mà thôi. Những nhạc phẩm ngày xưa tôi thường độc tấu là: La Cumparsita, Come Back to Sorrento, Blue Danube Waltz, Emperor Waltz, Waves of the Danube Domino, Liebestraum, v.v… Mỗi khi độc tấu xong, cúi chào khán giả, nghe tiếng vỗ tay vang dội, tôi chỉ biết cười “toe toét” để che giấu cảm xúc tuyệt vời đang dâng ngập cả hồn tôi.

Tôi thật lòng biết ơn quý vị từng sống tại Nha Trang cùng thời với tôi. Tôi cũng không quên ơn bạn hữu cùng trường Võ Tánh với tôi – ngày xưa – đã dành cho tôi rất nhiều thiện cảm và những tràng pháo tay vẫn còn âm thầm vang vọng trong lòng tôi.

Tại Houston, trước khi về hưu, tôi đã tham gia Accordéon Club của Mỹ, với hy vọng rằng khi về hưu sẽ có môn giải trí thanh cao; nhưng mỗi khi tôi đàn trên lầu thì ông Minh vẫn tỏ thái độ không thích bằng cách mở âm thanh của TV lớn tối đa!

Bây giờ tôi già rồi, muốn tập đàn lại cũng được; nhưng mỗi khi nghe tiếng Accordéon thì cả vùng trời xưa bừng sáng trong tôi, làm cho tôi đau khổ!


Như TuyềnĐây là niềm đam mê của cô, khi bị bỏ dở dang, cô rất buồn, nên mới tâm sự như thế này về thời gian học đàn: “…Khi nào đàn sai, tôi cũng có cảm tưởng như Ba tôi vẫn bên cạnh tôi để chỉ dẫn cho tôi như ngày xưa. Những lúc đó tôi khóc thầm và tôi đàn những bản buồn. Theo tiếng đàn, tôi tưởng như tôi thấy lại được một người đàn ông trẻ, sau khi biết đứa con gái đầu lòng thích đàn Accordéon, đã đưa đứa bé gái vào tận Saigon, đến tiệm đàn Mỹ-Tín, đường Hai-Bà-Trưng, đặt mua cây đàn Accordéon từ Ý-Đại-Lợi và cuốn sách dạy Accordéon bằng tiếng Pháp, từ Pháp. Khi tiệm đàn Mỹ-Tín gửi thư cho biết cây đàn đã về, người đàn ông đó lại đưa đứa bé gái vào Saigon nhận cây đàn để về lại Nha Trang dạy nó đàn. Tất cả công khó đó của người Cha ‘được’ đứa bé gái đem vùi lấp hết chỉ vì nó tự ái, không muốn tạo lý do để bị mỉa mai, tỵ hiềm!”

Thưa quý vị đoạn văn ngắn tôi vừa đọc được trích trong "Kỷ Niệm với ban ca nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang”.

Thưa cô, còn rất nhiều câu hỏi mà Như Tuyền muốn hỏi cô nhưng thời gian có hạn, nên phải chấm dứt nơi đây. Rất mong sẽ mời cô trở lại chương trình lần tới. Xin kính chào tạm biệt cô Điệp Mỹ Linh.


ĐML - Trước khi chào tạm biệt, ĐML xin cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe; và ĐML xin đa tạ Giám Đốc cùng quý vị trong Ban Điều Hành đài Radio Saigon Dallas 1600 đã dành cho ĐML cuộc phỏng vấn này./.

Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh


Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh


Tặng Phẩm Của Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu


Bài Mới Chưa In Thành Sách