Điệp Mỹ Linh  

Click here to edit subtitle

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp-Mỹ-Linh

Đài Saigon-Houston Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh

Nguyễn-Cương thực hiện

Xin chị cho biết nguyên nhân nào chị chọn tựa đề là Tìm Vết Chân Xưa? ..

Tìm Vết Chân Xưa là truyện ngắn thứ ba trong tập truyện mang cùng tựa đề. Tôi chọn tựa đề này cho toàn tập truyện vì, nhìn một cách tổng quát, toàn tập truyện viết về chuyến trở về quê cũ của một phụ nữ. Trong chuyến trở về đó Bà đã bị ngoại cảnh dẫn dắt lui về quá khứ; một quá khứ êm đềm, thơ mộng, nhưng lại gắn liền với những biến chuyển trọng đại của dòng Viêït sử. Cũng trong chuyến trở về đó Bà tìm lại được chính mình: Một cô gái mới lớn, nhẹ dạ, cả tin, đã bị cái lãng mạng nhất thời đưa vào một cuộc tình không lối thoát.


Như thế có nghĩa Tìm Vết Chân Xưa là tập tuyện tình lồng trong bối cảnh lịch sử?

Thưa anh, đối với tôi, cũng như trong Tìm Vết Chân Xưa, không phải chỉ có tình yêu đôi lứa mới tạo nên văn chương mà còn có tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và kỷ niêm.


Chúng tôi nhận thấy trong nhiều truyện ngắn của chị, phần kết luận thường được để lơ lửng. Ðó có phải là dụng ý của chị hay không? Và tại sao?

Vâng, đó là dụng ý của tôi. Theo tôi, đời là những mảnh rời kết hợp lại. Sự kết hợp này không vĩnh cữu và những mảnh rời này cũng không có đoạn kết. Ngay như viết về một người chết thì cái chết chỉ chấm dứt phần đời của người đó chứ cái chết không chấm dứt với những hệ lụy do người ấy lưu lại. Tôi không muốn dùng ngòi bút để buộc một nhân vật hay một câu chuyện phải dừng lại. Ðiều quan trọng của tôi là “bỏ lửng” như thế nào để câu chuyện vẫn “tròn trịa”, không bị “hỏng”.


Trong những tác phẩm của chị người đọc còn nhận ra tư tưởng muốn vượt thoát khỏi vòng tù hãm của đạo lý Khổng Mạnh. Xin chị cho biết nguyên nhân?

Tôi là người Việt. Ông Khổng, ông Mạnh là người Tàu. Vậy thì mớ “đạo lý” do hai ông ấy đặt ra chỉ nên áp dụng trên quê hương của hai ông ấy mà thôi. Khi mớ “đạo lý” ấy sang đến nước tôi thì nó trở thành mớ “đạo lý vay mượn”. Mớ “đạo lý vay mượn” đó đã tác hại nặng nề lên thân phận người phụ nữ Việt-Nam suốt không biết bao nhiêâu thế hệ. Tôi nghĩ, nếu nhạc sĩ La-Hối, tác giả nhạc phẩm Xuân Và Tổi Trẻ, là người Tàu (tôi chỉ nghe nhiều người bảo Ông là người Tàu chứ tôi chưa kiểm chứng) thì tất cả mớ “đạo lý” của người Tàu so ra còn thua xa bài Xuân Và Tuổi Trẻ.


Bài Cuộc Tình Xót Xa, trong tập truyện Tìm Vết Chân Xưa viết về một cuộc tình rất đẹp, rất cao thượng, lồng trong khung cảnh nên thơ của Dalat. Xin chị cho biết đó là hư cấu hay chuyện thật?

Nếu có thể, xin anh cho tôi “qua” câu này đi.


Truyện Vết Ðau Xưa dường như chị muốn bộc lộ một điều gì, nhưng chưa rõ nét, đúng không, thưa chị?

Xin cảm ơn anh đã đọc kỹ và nhận ra được điều đó. Ðó là tinh thần trọng nam khinh nữ. Thật ra, sự bất bình của tôi đối với tinh thần trọng nam khinh nữ đã bộc phát trong nhiều tác phẩm trước chứ không phải đến tác phẩm Tìm Vết Chân Xưa.


Xin chị cho biết dự tính cho tương lai gần.

Tôi sắp xuất bản Những Mảnh Rời. Tác phẩm này gồm truyện ngắn, tùy bút và những bài điểm sách cũng như những bài phỏng vấn mà bạn hữu đã thực hiện cho tôi.


Xin cảm ơn chị đã dành cho chương trình của đài Saigon-Houston một cuộc phỏng vấn ngắn này.

Xin cảm ơn quý thính giả và xin cảm ơn anh.

Vài Nét Về Điệp Mỹ Linh
Điệp Mỹ Linh là bút hiệu của...

Bạn Hữu Phỏng Vấn Điệp Mỹ Linh


Bạn Hữu Viết Về Điệp Mỹ Linh


Tặng Phẩm Của Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Phỏng Vấn Bạn Hữu


Điệp Mỹ Linh Viết Về Bạn Hữu


Bài Mới Chưa In Thành Sách