Ông Chung Tấn Cang
Nguyên Phó-Đô-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân
Xin Đô-Đốc * vui lòng cho biết lý do Đô-Đốc trở lại Hải-Quân lần thứ nhì?
Lý do tôi trở lại Hải-Quân lần thứ hai bao gồm cả quân sự lẫn chính trị.
Lý do chính trị là lúc đó có tin đồn ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ đảo chánh ông Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian này tình hình thủ đô lộn xộn vì những sự chống đối của Liên-Đoàn Ký-Giả, Ni-Sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Cha Trần Hữu Thanh, v. v…Uy thế chính trị của ông Thiệu suy giảm. Ông Thiệu nghĩ rằng tôi sẽ chỉ huy Lực-Lượng Hải-Quân chặt chẽ hơn và có thể là một hậu thuẫn đáng tin cậy để chống cuộc đảo chánh – nếu có.
Tôi nghĩ rằng hiện tình đất nước lúc bấy giờ ông Thiệu còn là nguyên thủ sẽ có lợi hơn cho quốc gia, vì giữ được sự liên tục của thế hợp hiến, hợp pháp của nền Đệ II Cộng-Hòa. Tôi hậu thuẫn ông Thiệu vì lý do đó chứ không phải vì cá nhân. Nếu nói về vấn đề cá nhân thì tôi thân cận với Thủ Tướng Khiêm nhiều hơn.
Thưa, lúc đó Đô-Đốc đang tòng sự tại đâu?
Lúc đó tôi là Tư-Lệnh Biệt-Khu Thủ-Đô.
Thưa, từ khi về nhậm chức Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, Đô-Đốc có những thay đổi quan trọng nào trong nội bộ Hải-Quân hay không?
Tuy có tin ông Kỳ muốn đảo chánh và một số sĩ quan Hải-Quân thân tín của ông Kỳ đang chỉ huy các Lực-Lượng Đặc-Nhiệm, nhưng khi về lại Hải-Quân tôi không thuyên chuyển ai cả.
Sau khi tôi về lại Hải-Quân, chỉ có ba sự thay đổi là:
- Thành lập Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99, giao cho Đại-Tá Lê Hữu Dõng chỉ huy; với mục đích là, nếu có đảo chánh, lực lượng này sẽ hỗ trợ cho những lực lượng khác chống đảo chánh.
- Giao hệ thống chỉ huy tiếp vận cho các Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng trực tiếp điều động.
- Sĩ quan an ninh Vùng chịu sự chỉ huy trực tiếp của các Tư-Lệnh Vùng.
Có nguồn tin nói rằng vào cuối tháng 4-1975, Đô-Đốc có ý định đưa Lực-Lượng Hải-Quân về Phú-Quốc, biến Phú-Quốc thành một “Đài-Loan Việt-Nam”, có đúng không, thưa Đô-Đốc?
Lúc đó tôi có ý định đưa gia đình binh sĩ Hải-Quân ra tạm trú tại Phú-Quốc để binh sĩ yên lòng trở lại miền Tây chiến đấu chứ tôi không có ý biến Phú-Quốc thành một “Đài-Loan Việt-Nam”.
Lý do tôi không nghĩ đến điều đó là vì địa thế Phú-Quốc đối với Việt-Nam hoàn toàn khác hẳn Đài-Loan đối với Trung-Hoa lục địa.
Thưa, có một tướng lãnh nào hay một nhân vật chính trị nào đề bạt lên Đô-Đốc ý kiến đó hay không?
Không. Chỉ có ông Lê Quốc Túy đưa ra một giải pháp chính trị, nhưng không thành.
Có nguồn tin cho rằng tối 27 tháng 4, Đô-Đốc họp với chính phủ của Tướng Dương Văn Minh; và chính phủ này yêu cầu Hải-Quân ở lại làm hậu thuẫn cho một chính phủ hòa giải đang được thành lập. Đúng như vậy không, thưa Đô-Đốc?
Không. Tôi đề nghị ông Minh đưa nội các về Cần-Thơ; ông ấy không chịu. Vậy thôi.
Một nguồn tin khác nói rằng, lúc 5 giờ chiều 28 tháng 4, Tướng Dương Văn Minh gọi Đô-Đốc đi họp. Bộ-Tham-Mưu Hải-Quân ngại Tướng Minh sẽ giữ Đô-Đốc luôn để làm áp lực, buộc Hải-Quân phải ở lại, cho nên Phó-Đề-Đốc Diệp Quang Thủy được cử đi thế. Có đúng không, thưa Đô-Đốc?
Không. Chính tôi hỏi ông Minh cần gì, tôi sẽ lên. Ông Minh bảo thôi, để ông Thủy lên cũng được.
Thưa, Đô-Đốc có thể cho biết sự liên hệ giữa Đô-Đốc và ông Lê Quốc Túy – Cố Chủ-Tịch ủy ban vận động hải ngoại thuộc Mặt-Trận Thống-Nhất các Lực-Lượng Yêu Nước Giải-Phóng Việt-Nam – như thế nào không ạ?
Khi tôi là Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang, từ năm 1955 đến năm 1958, thì ông Mai Văn Hạnh là huấn luyện viên tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Không-Quân Nha-Trang. Chúng tôi quen nhau từ đó.
Khoảng cuối tháng 4-1975, ông Mai Văn Hạnh đưa ông Lê Quốc Túy đến giới thiệu với tôi. Trong lần tiếp xúc đó, ông Túy trình bày về ông Trần Văn Hữu. Theo ông Túy thì ông Hữu là một nhân vật có nhiều hy vọng để giàn xếp cho một cuộc ngưng bắn. Ông Túy nhờ tôi giúp ông ấy liên lạc với ông Dương Văn Minh để đem ông Hữu về, nhưng ông Minh không thuận.
Mặc dù ông Minh không hưởng ứng giải pháp của ông Hữu, ông Túy cũng cậy tôi nhờ Tòa Đại Sứ Pháp chuyển công điện gọi ông Hữu qua. Nhưng, lúc đó tại Tòa Đại Sứ Pháp chỉ còn một điện thoại viên chứ không còn ai có thẩm quyền cả.
Thưa, xin Đô-Đốc cho biết sự thân tình giữa Đô-Đốc và Đại-Sứ Pháp, Jean-Marie Mérillon?
Cũng không thân tình gì lắm. Nhưng lúc đó ai nhờ tôi điều gì tôi cũng giúp, chỉ mong đem đến sự thuận lợi cho miền Nam thôi.
Thưa, sau 1975 ông Túy còn liên lạc với Đô-Đốc nữa hay không?
Có. Khi gặp lại, ông Túy cho biết, đêm 29 tháng 4, sau khi Hạm-Đội rút khỏi Saigon, Tổng Thống Dương Văn Minh nói với ông Túy là làm thế nào để ông Minh gặp lại tôi. Ông Túy cho ông Minh biết rằng tôi đã đi, nếu muốn liên lạc phải dùng phương tiện quân đội.
Nếu vậy thì đêm 29 tháng 4 năm 1975 Tướng Minh có liên lạc được với Đô-Đốc hay không?
Tôi không nghe ông Minh gọi gì trên hệ thống truyền tin cả. Tôi chỉ nghe Đại-Tá Nguyễn Văn Tấn gọi Hạm-Đội, nhưng Đại-Tá Tấn không nói lý do tại sao gọi Hạm-Đội trở về.
Xin Đô-Đốc cho biết ý kiến về lực lượng kháng chiến do ông Lê Quốc Túy thành lập.
Khi thành lập Mặt-Trận Thống-Nhất các Lực-Lượng Yêu Nước Giải-Phóng Việt-Nam, ông Túy có liên lạc với tôi. Tôi đồng ý hợp tác và phái hai cựu sĩ quan cao cấp sang Thái-Lan để phối kiểm. Nếu sự việc đúng như những điều ông Túy đã trình bày thì tôi sẽ sang Thái-Lan.
Sau khi được hai sĩ quan trở về báo cáo, tôi nhận thấy việc làm của ông Túy không được nghiêm chỉnh lắm; vì ông Túy thường hành động theo ý kiến cá nhân, thiếu tinh thần tập thể.
Ông Túy xác nhận với tôi rằng Lực-Lượng Kháng-Chiến của ông ấy được Trung-Cộng yểm trợ. Tôi không chấp nhận. Mình đã chống Cộng-Sản Hà-Nội, nay không vì bất cứ một lý do gì mình lại kết hợp với một chế độ Cộng Sản khác.
Xin cảm ơn Đô-Đốc.
* Theo truyền thống Hải-Quân quốc tế, khi tiếp chuyện với cấp Tướng Hải-Quân
mọi người đều dùng danh từ Đô-Đốc, dù vị Tướng ấy là Phó-Đề-Đốc hoặc Đề-Đốc.

Thay Lời Tựa
Chương I
Sơ Lược Lịch Sử Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
Chương II
Các Vị Tư-Lệnh Hải-Quân
Chương III
Sự Tổ Chức Của Hải-Quân – Về Hành Quân
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang
Những Đại-Đơn-Vị Chiến-Đấu
Vùng Sông-Ngòi – Hành-Quân Lưu Động Sông
Vùng Duyên-Hải – Hành-Quân Lưu Động Biển
Chương IV
Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ
Chương V
Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân
Chương VI
Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi
Những Trận Chiến Trên Vàm-Cỏ-Tây
Những Trận Chiến Trên Vàm-Cỏ-Đông
Chương VII
Chương VIII
Hải-Vận-Hạm Lam-Giang, Một Huyền Thoại
Chương IX
Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi
Cuối Cùng Của Hải-Quân V.N.C.H.
- Nguyên Phó-Đô-Đốc Chung Tấn Cang
- Nguyên Đề-Đốc Trần Văn Chơn
- Nguyên Trung Tướng Tổng-Tham-Mưu-Trưởng Vĩnh Lộc
- Nguyên Đại-Tá Lê Quang Mỹ
- Nguyên Phụ-Tá Tổng-Trưởng Quốc-Phòng Hoa-Kỳ
Richard Lee Armitage - Nguyên Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng
- Nguyên Trung Tướng Lâm Quang Thi
- Nguyên Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
Chương X
Những Vị Anh Hùng Hải-Quân V.N.C.H.
Cố Hải-Quân Thiếu-Tá Đặng Hữu Thân
Cố Hải-Quân Thiếu-Tá Lê Anh Tuấn
Chương XI
(Cựu Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Ngọc Quỳnh)
Những Năm Tại Trường Hải-Quân Pháp
(Cựu Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng)
U.S. Navy Officer Candidate School
(Cựu Hải-Quân Đại-Úy Hoàng Quốc Tuấn)
U.S. Naval Postgraduate School
(Cựu Hải-Quân Trung-Úy Trần Trúc Việt)
Kỷ Niệm Với Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505
Phụ Lục